Một ngân hàng báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm gấp 2,4 lần cùng kỳ, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,17%
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2023 của ngân hàng này đạt 3.315 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (HSBC Việt Nam) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2023 với kết quả kinh doanh ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng này đạt 3.315 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi sau thuế đạt 2.649 tỷ đồng, tăng 141%.
Kết quả này trái ngược với bức tranh lợi nhuận khá ảm đạm của các ngân hàng nội. Thống kê cho thấy 13/28 ngân hàng nội đã công bố báo cáo tài chính ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm, và trong 15 ngân hàng còn lại thì tăng trưởng cao nhất cũng chỉ 64%.
Tại HSBC Việt Nam, động lực tăng trưởng chính của ngân hàng đến từ thu nhập lãi thuần, tăng tới 157% so với cùng kỳ và đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Chi phí lãi và các chi phí tương tự của HSBC Việt Nam dù tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ, nhưng cũng chỉ ở mức 410 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (hơn 4.400 tỷ đồng). Đây cũng là điểm khác biệt của các ngân hàng ngoại hiện nay tại Việt Nam, với chi phí vốn thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng nội địa.
Bên cạnh đó, một số mảng kinh doanh khác cũng có kết quả tích cực, chẳng hạn như lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 432 tỷ, tăng 8% so với cùng kỳ. Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt gần 14 tỷ (cùng kỳ không phát sinh lãi/lỗ).
Mảng kinh doanh ngoại hối lại kém khả quan, ghi nhận lãi thuần 372 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động của HSBC Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 4.913 tỷ đồng, tăng 84%. Trong khi đó, chi phí hoạt động chỉ tăng 14% lên 1.498 tỷ.
Chi phí dự phòng tăng khá mạnh (gấp 4 lần) lên gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí dự phòng này rất thấp so với các ngân hàng nội địa cùng quy mô. Điều này khá dễ hiểu bởi nợ xấu của HSBC Việt Nam chỉ ở mức 277 tỷ đồng, chiếm 0,17% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của ngân hàng đạt 244%.
Về huy động vốn, tiền gửi của khách hàng tại HSBC Việt Nam giảm 6,2% xuống 164.531 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 23,8% lên 2.599 tỷ đồng.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng lên tới 18,23% (trong khi yêu cầu của Basel II chỉ 8%). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là -3,12% (tổng dư nợ cho vay trung và dài hạn nhỏ hơn số dư tổng nguồn vốn trung và dài hạn). Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 36,52%.
Kết quả kinh doanh của HSBC Việt Nam sau giai đoạn đi xuống năm 2020-2021 đã bứt phá trở lại từ năm 2022. Năm ngoái, nhà băng này báo lãi kỷ lục 4.632 tỷ đồng, tăng 181% so với năm 2021, tức gần gấp 3 lần.
Minh Vy