A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức của nền kinh tế

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang “dậm chân tại chỗ”, các doanh nghiệp buộc phải cố gắng hơn bao giờ hết để tìm ra động cơ đổi mới sáng tạo thích hợp, bởi “không thay đổi là chết và đổi mới là sống còn”.

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức của nền kinh tế - Ảnh 1.

Nếu ví von mỗi doanh nghiệp là một cỗ xe hay đoàn tàu, bộ phận quan trọng thúc đẩy phương tiện này hoạt động chính là động cơ. Trên thực tế, mỗi doanh nghiệp thành công đều có cho riêng mình một động cơ khác biệt. Đó có thể là lợi thế cạnh tranh, văn hóa doanh nghiệp, hay tư duy chiến lược của những người lãnh đạo. Theo thời gian và trong điều kiện môi trường thay đổi, động cơ này cần được nâng cấp và đổi mới không ngừng để luôn tìm ra hướng tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Câu hỏi “Làm thế nào để dẫn dắt doanh nghiệp thành công bằng động cơ đổi mới trong thời kỳ biến thiên ảm đạm của nền kinh tế?” đã được các doanh nhân đào sâu trong InnoEx Forum 2023, sự kiện thu hút sự góp mặt của hơn 2.000 doanh nhân, chuyên gia và các nhà đầu tư trên 52 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Động cơ Đổi mới sáng tạo: Hiểu đúng, làm “trúng”

Việt Nam được coi là “Ngôi sao đang lên” về đổi mới sáng tạo. Gần đây, nhiều “ông lớn” công nghệ như Google, Microsoft, Amazon… cho thấy kỳ vọng lớn với thị trường Việt Nam thông qua nhiều chương trình về đổi mới sáng tạo hỗ trợ doanh nghiệp và startup Việt.

Bên cạnh đó, thị trường đã có nhiều thay đổi, cả về mô hình và phương thức kinh doanh cho đến trật tự của nhiều ngành, một phần do tác động của tiến bộ công nghệ áp dụng lên mọi ngành nghề. Đồng thời, mức độ cạnh tranh cũng được gia tốc, buộc các doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình “động cơ đổi mới” phù hợp để kịp thời thích ứng và sống còn trong cuộc đua tăng trưởng. Trên cơ sở đó, động cơ đổi mới được hiểu là tập hợp các công cụ và quy trình nắm bắt ý tưởng và biến chúng thành những đổi mới hiệu quả. Những ý tưởng mới này, từ cả lực lượng bên trong và bên ngoài, được đưa vào hộp thư đổi mới và được đánh giá để tạo ra một lộ trình đổi mới toàn diện.

Theo ông Albert Antoine - thành viên ban cố vấn InnoEx 2023 - từng là cố vấn chiến lược về Đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) và Khoa học Dữ liệu cho Văn phòng Thủ tướng Singapore và nhiều công ty lớn của châu Á, đổi mới là chủ đề đã quen thuộc trên thế giới, và cũng đã được áp dụng nhiều tại Việt Nam. Thế nhưng, “Chúng ta nói rất nhiều về đổi mới sáng tạo, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng, áp dụng đúng cách”.

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức của nền kinh tế - Ảnh 2.

Theo ông Albert, có ba dạng thức khác nhau của đổi mới sáng tạo, bao gồm: Đổi mới nhờ sự tình cờ hoặc cơ hội; Đổi mới sáng tạo mở, tức liên kết nhiều bên để đổi mới; và Đổi mới sáng tạo sinh tồn. Ông cũng nhận định rằng, Việt Nam rất giỏi đổi mới sinh tồn nhưng hiện chưa có quy chuẩn nào để xác định đúng phương thức đổi mới này.

Có ba phương thức được ông Albert đề xuất để thay đổi tư duy và cách làm để tăng lợi thế cạnh tranh, từ đó trang bị động cơ đổi mới phù hợp cho doanh nghiệp. Ba phương thức này bao gồm: Tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng; Tối ưu quy trình; và Nâng cấp mô hình kinh doanh. Một trong những ví dụ nổi bật nhất về tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng là Netflix, với cơ chế đề xuất những bộ phim mới theo thói quen xem phim của người dùng. Cơ chế này đã và đang được áp dụng trên các sàn thương mại điện tử, góp phần cá nhân hóa trải nghiệm và thúc đẩy tăng trưởng.

Khi nói đến tối ưu quy trình, không thể không nhắc đến Amazon cùng cam kết giao hàng trong 24 giờ trong mỗi mùa Black Friday. Để làm được điều này Amazon đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nền tảng phục vụ mục đích kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, họ cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để nâng cấp môn hình kinh doanh, mở ra một ngành dịch vụ mới với tên gọi Amazon Web Services. Đây cũng chính là dịch vụ mang lại doanh thu lớn nhất cho Amazon trong nhiều năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, Tập đoàn KIDO cũng được đánh giá là doanh nghiệp có động cơ đổi mới hiệu quả khi kết hợp hiệu quả giữa chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Nhờ vào công nghệ, dữ liệu, Tập đoàn này nắm bắt nhu cầu nhanh chóng cho các chiến lược kinh doanh. Tập đoàn cũng tối ưu hóa quy trình hoạt động bằng cách phát triển hệ thống sản xuất và logistic, giúp KIDO phát triển vững vàng.

Chung quy lại, đổi mới sáng tạo không phải khái niệm mới, nhưng trong thời kỳ thị trường kinh tế thế giới không ổn định như hiện nay, các doanh nghiệp cần quyết liệt hơn trong việc đổi mới để tìm lợi thế cạnh tranh mới. Ông Albert nhấn mạnh “đổi mới không chỉ là câu chuyện của chuyển đổi số hay có yếu tố công nghệ, đổi mới bắt đầu từ tư duy và nó là hành trang của mỗi doanh nhân trong hành trình kinh doanh”. Trả lời câu hỏi: “ Điều gì thúc đẩy sự đổi mới trong tổ chức? Ông nhấn mạnh 6 yếu tố, đó là: Tư duy lãnh đạo; Ý tưởng hay nhưng quan trọng vận hành; Thất bại nhanh và học nhanh; Bắt đầu nhỏ và bắt đầu sớm; Đặt các mốc quan trọng và đo lường KPI liên tục và Xây dựng văn hóa đổi mới mỗi ngày.”

Trang bị động cơ đổi mới cho doanh nghiệp từ doanh nhân thành công

InnoEx Forum 2023 thu hút sự chú ý tiếp theo bởi phiên thảo luận từ các doanh nghiệp thành danh và cả các “tay đua" mới mẻ có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào động cơ tăng trưởng mạnh mẽ với chủ đề: Dẫn dắt Doanh nghiệp thành công bằng Động cơ Đổi mới. Nhấn mạnh trong phiên thảo luận, các khách mời nhấn mạnh: Không thay đổi là chết và đổi mới là sống còn.

Áp lực đổi mới đến từ cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Có khi môi trường bên ngoài buộc chúng ta phải đổi mới, những có khi từ bên trong chúng ta muốn đổi mới, và đa số là cả hai. Theo chia sẻ của nhiều chuyên gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, động cơ đổi mới thường bắt nguồn từ tư duy “phá khung”, nói cách khác, không đi theo các mô hình đã có trên thị trường. Để thật sự đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần xác định được điểm mới mẻ trên thị trường để tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới, thay vì “học theo” những mô hình thành công đã được chứng minh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, việc suy nghĩ ngoài khung (out of the box) là một trong những điều kiện tiên quyết mà những nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần áp dụng. “Phải suy nghĩ ngoài cái khung được dạy, dám thách thức những hiện trạng dù đó là cả khoa học hiện tại để thay đổi đột phá Nếu thay đổi chỉ dựa trên những cái được dạy từ trước sẽ không đổi mới được”, ông Mỹ chia sẻ.

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức của nền kinh tế - Ảnh 3.

Không giới hạn sự đổi mới chỉ có ở các công ty start-up (công ty khởi nghiệp) hay các công ty vừa và nhỏ, chính những tập đoàn lớn với “tuổi đời” cao cũng hoàn toàn có khả năng “phá khung” và đổi mới. Bởi theo các chuyên gia, công ty dù lớn hay nhỏ cũng đều bắt đầu từ “start-up”. Đồng thời, trong nội tại các công ty lớn tồn tại một văn hóa đặc biệt: văn hóa tái sinh. Nghĩa là các công ty lớn, khi trải qua những giai đoạn thử thách, đã tìm ra cách tự thay đổi và biến hóa để thích nghi với điều kiện mới, từ đó trưởng thành hơn và tăng trưởng tốt hơn. Tất nhiên, các diễn giả cũng nhấn mạnh, mỗi quy mô và đặc tính doanh nghiệp sẽ có những “engine" đổi mới khác nhau.

Ông Trần Lệ Nguyên - Nhà đồng sáng lập, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Tập đoàn KIDO nhấn mạnh: “Trải qua đại dịch, chúng ta thấy hành vi người tiêu dùng đã thay đổi, vì vậy "xu hướng" là chìa khoá. Song song, kết hợp với công nghệ để đo lường liên tục để nắm bắt xu thế thị trường và đi vào bên trong doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của hành vi người tiêu dùng. Nhưng muốn mở rộng tư duy, chúng ta cần nắm bắt xu hướng thế giới.” Ông Nguyên dẫn chứng: Vì sao mỗi gia đình đều có một thùng mì gói nhưng bây h thì ít? không phải do đối thủ ảnh hưởng mà do hành vi thay đổi, vì dịch vụ vận chuyển phát triển người ta ăn đồ tươi hơn nên không còn cần thùng mì gói đó nữa.

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức của nền kinh tế - Ảnh 4.

Đồng thời, cấu trúc và văn hóa doanh nghiệp cũng là một trong những nguồn “nhiên liệu” quan trọng thúc đẩy động cơ đổi mới hoạt động. Để có thể thúc đẩy động cơ đổi mới hoạt động tốt, theo ông Trần Lệ Nguyên - Nhà đồng sáng lập, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, Chiến lược và văn hóa công ty là linh hồn, còn làm việc tập thể là quan trọng nhất.

Ngoài những yếu tố về tư duy hay văn hóa, tài chính cũng là một “nhiên liệu” được các chuyên gia nhắc đến nhiều khi nói về việc vận hành động cơ đổi mới. Ông Steven Trương - Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VinBrain - cho biết, mỗi năm công ty này dành ra 5-7% ngân sách cho các dự án vườn ươm doanh nghiệp (incubator project). Ông Steven Trương chia sẻ: “Tại sao một tập đoàn 2,500 tỷ đô la như Microsoft luôn phải thay đổi? Vì không thay đổi sẽ chết”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quang - Tổng giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank chia sẻ, nguồn ngân sách là yếu tố cần thiết khi thực hiện bất kỳ điều gì, nhưng đó không phải là vấn đề đầu tiên. Doanh nghiệp muốn đổi mới cần dựa trên phân khúc và nhu cầu khách hàng, từ đó tạo ra sản phẩm dịch vụ tốt nhất để thu hút khách hàng. “Công nghệ đắt chưa chắc là phù hợp. Chúng ta cần những văn hóa, đội nhóm có thể chiến đấu cùng nhau để có thể thay đổi, tạo nên một sản phẩm tốt hơn. Khi có kế hoạch rõ ràng như vậy thì chắc chắn sẽ có tiền”, ông Quang khẳng định. Lãnh đạo này cũng nhấn mạnh 2 động cơ của Cake trong đổi mới đó là: Tư duy khác biệt - không làm theo sản phẩm mà các đối tác khác làm mà làm mới; Tư duy thứ 2 là đổi mới sáng tạo là sống còn.

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức của nền kinh tế - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Công Tẩn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Citek - cũng chia sẻ, để xác định mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo, trước tiên cần xác định mục tiêu của doanh nghiệp, từ đó có được tư duy đúng, hướng tiếp cận đúng. Khi đó, chi phí bỏ ra sẽ phù hợp. Ông Tẩn cũng nhấn mạnh: “Tư duy trong đổi mới là động cơ cốt lõi, nhưng đổi mới phải đi cùng với tư duy công nghệ. Đó là yếu tố song hành bắt buộc.”

Ông Steven Trương cũng nhấn mạnh 3 điểm quan trọng để dẫn dắt doanh nghiệp thành công, ông nói: “Xe điện đang là trào lưu mới ESG, cũng là tăng trưởng xanh, nhưng chúng ta cần nói về rác thải và quản lý nó để con cháu mình có đời sống xanh. Thứ hai là Social impact, tạo ra tầm ảnh hưởng cho xã hội, và thứ ba là “governance” - quản trị rủi ro. Trong đổi mới phải đi theo xu hướng thế giới cộng với năng lực quản lý doanh nghiệp thì mới trường tồn và lâu dài.

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức của nền kinh tế - Ảnh 6.

Bà Christina Bao - Giám đốc phụ trách Sales & Marketing, Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông HKEX - chia sẻ tại InnoEx 2023 về bức tranh tổng quan về cơ hội và thử thách trong dòng chảy “vốn” của khu vực, từ đó chỉ ra những lợi thế, sức mạnh của doanh nghiệp có yếu tố đổi mới trong chiến lược tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.

Tìm động cơ đổi mới để doanh nghiệp Việt "sống còn" trước những thách thức của nền kinh tế - Ảnh 7.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc quản lý rủi ro khi đổi mới sáng tạo. Thay đổi nào cũng có rủi ro. Không có việc triệt tiêu hoàn toàn rủi ro trong đổi mới. Chính vì thế, việc quản lý rủi ro rất quan trọng trong kế hoạch hành động khi muốn đổi mới. “Hãy chuẩn bị sẵn sàng với những câu hỏi điều gì có thể làm cho dự án của mình thất bại, đồng thời sử dụng các kết quả khảo sát, đo lường các cột mốc cụ thể để có phương án điều chỉnh kịp thời”, Ông Steven Trương chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm đó, bà Phi - Trưởng ban tổ chức InnoEx 2023 bổ sung thêm: “Cụm từ InnoEx không chỉ có exist (tồn tại) mà còn có cả exit (thoát ra). Do vậy, luôn đặt câu hỏi tại sao, các mục tiêu cụ thể, cách làm và đo lường các cột mốc quan trọng để xem doanh nghiệp đang ở đâu và đạt được điều gì trong ngắn hạn và dài hạn. Đó cũng là một kế hoạch của quản lý rủi ro trong đổi mới”

Diễn đàn Doanh nghiệp và Nhà lãnh đạo tiên phong - InnoEx 2023 khép lại bằng một thông điệp mạnh mẽ: Luôn chú trọng và làm mạnh thêm bộ “động cơ" (engine) cho đổi mới trong doanh nghiệp vì chỉ có như vậy mới giúp doanh nghiệp có thêm sức mạnh, tăng tốc trong giai đoạn hiện nay.

InnoEx - “Nhà ga trung tâm” nơi các chuyến tàu đổi mới giao nhau

“Đổi mới, suy cho cùng tiền bạc hay công nghệ chưa phải là khó nhất. “Tốc độ” của nhận thức và “biên giới” của tư duy mới là rào cản lớn nhất. Tại InnoEx 2023, sự có mặt của các công ty đổi mới và các nhà lãnh đạo tiên phong quan tâm đến đổi mới đã là một bước khởi đầu cho việc hiện thực hoá mong muốn tăng tốc và xoá nhoà những “biên giới” của sự đổi mới”, bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO IBP, Trưởng BTC InnoEx chia sẻ.

InnoEx là sự kiện quốc tế thường niên nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới và tăng trưởng dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và khu vực ASEAN. Sự kiện được bảo trợ bởi UBND TP.HCM, đồng tổ chức bởi Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) và Công ty Cổ phần Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp IBP.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, ông Dương Anh Đức - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM gửi thông điệp: “Thông qua InnoEx 2023, TP.HCM kỳ vọng, sự kiện quốc tế thường niên này sẽ mang lại những cơ hội hợp tác với các đối tác liên ngành chiến lược, các quỹ đầu tư quốc tế, đồng thời tiếp cận thông tin và kinh nghiệm thực chiến dành riêng cho những doanh nghiệp mang tư duy sáng tạo. Đây chính là nguồn tài nguyên và là động lực quý báu giúp kinh tế thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung gia tăng lợi thế cạnh tranh.”

Nhã Mi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...