Một doanh nghiệp mía đường sớm cán đích lợi nhuận sau quý đầu niên độ 2022-23 lãi lớn, sắp chi trăm tỷ trả cổ tức 100% bằng tiền
Nhờ không phải nộp thuế TNDN, Mía đường Sơn La thường xuyên duy trì EPS trên 10.000 đồng cùng truyền thống chi trả cổ tức cao ngất ngưởng hàng năm.
CTCP Mía đường Sơn La (mã SLS) đã công bố báo cáo tài chính quý 1 niên độ 2022-23 (từ 1/7 đến 30/9/2022) với doanh thu đạt 341,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Giá vốn thậm chí còn tăng nhanh hơn, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ khiến biên lãi gộp bị thu hẹp từ 33,7% xuống còn 30,2%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 103 tỷ đồng, vẫn gấp đôi cùng kỳ niên độ trước.
Trong kỳ, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Kết quả, SLS lãi ròng 81,2 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 8.296 đồng. Như vậy, doanh nghiệp này đã vượt xa kế hoạch cả năm ngay sau quý đầu tiên dù doanh thu mới thực hiện được 1/3 mục tiêu.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 9, SLS đã thông qua kế hoạch kinh doanh niên độ 2022-23 với chỉ tiêu doanh thu đạt xấp xỉ 1.111 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với niên độ trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ ở mức hơn 75 tỷ đồng, giảm gần 60% so với thực hiện trong niên độ trước. Công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30%.
Thực tế, thói quen lên kế hoạch lợi nhuận thấp trong khi đặt mục tiêu doanh thu cao ngất ngưởng đã không còn xa lạ với SLS. Do đó, việc doanh nghiệp mía đường này sớm về đích lợi nhuận trong khi không kịp hoàn thành kế hoạch doanh thu cũng không quá bất ngờ. Niên độ 2021-22 trước đó, SLS ghi nhận 885 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với cùng kỳ nhưng chỉ thực hiện 84% kế hoạch. Trong khi đó, lãi ròng tăng gần 15% lên mức 188 tỷ đồng, gấp tới 2,5 lần mục tiêu cả năm.
Theo lý giải của công ty, tổng doanh thu không đạt kế hoạch trong niên độ 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, sản xuất và tiêu dùng bị đình trệ, giao thương buôn bán khó khăn, vì vậy sản lượng tồn kho cao, doanh thu giảm. Tuy nhiên, SLS đã tiết giảm chi phí, hạ giá thành, giúp công ty hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhận đề ra.
SLS được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao ngất ngưởng hàng năm. Kể từ khi lên sàn năm 2012, chưa năm nào doanh nghiệp này quên chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Những năm gần đây, tỷ lệ chi trả thường lên đến trên 50%. Với kết quả lợi nhuận vượt xa kế hoạch niên độ vừa qua, ngày 25/10 tới đây, SLS dự kiến sẽ chi khoảng gần trăm tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021-22 bằng tiền với tỷ lệ lên đến 100% cho cổ đông theo danh sách chốt ngày 10/10.
Bên cạnh truyền thống chi trả cổ tức, SLS còn được nhà đầu tư chú ý khi thường xuyên duy trì EPS cao trên 10.000 đồng. Một trong những lợi thế giúp SLS đạt được kết quả này đến từ việc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trên thị trường, SLS hiện là cổ phiếu có thị giá cao thứ 2 sàn HNX với 137.000 đồng/cổ phiếu. So với đáy cách đây 4 tháng, cổ phiếu này đã tăng hơn 37% tuy nhiên vẫn còn thấp hơn gần 14% so với đỉnh đạt được hồi trung tuần tháng 9 năm ngoái.
Hà Linh