A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu cao trước những “cơn gió ngược”

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế có khả năng chống chịu cao và là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Mới đây, các chuyên gia quốc tế đã có những đánh giá, nhận định tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù tốc độ tăng trưởng có chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam vẫn cho thấy là một nền kinh tế có khả năng chống chịu cao và là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu cao trước những “cơn gió ngược” - Ảnh 1.

Chỉ số lạm phát của Việt Nam nhiều khả năng sẽ được kiểm soát dưới mục tiêu 4,5%

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023, đạt khoảng 4,7% cho cả năm. Lạm phát nhiều khả năng sẽ được kiểm soát dưới mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đất nước có thể trở lại tốc độ tăng trưởng cao trong trung hạn khi thực hiện cải cách cơ cấu.

Theo bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, lợi thế về lao động, hội nhập thương mại toàn cầu, chuỗi cung ứng, ổn định chính trị và nguồn lực tiềm năng; cùng với cam kết của Chính phủ thúc đẩy thương mại và tăng trưởng bền vững đã giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của những “cơn gió ngược”.

 

“Việt Nam không phải là một đất nước hữu cơ, đang tăng trưởng theo cấp số nhân và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Việt Nam khiến nhiều quốc gia khác ấn tượng đó là sự sống động của thị trường, phản ánh sự đổi mới và tinh thần khởi nghiệp. Mọi người ở đây làm việc rất chăm chỉ, điều đó cực kỳ ấn tượng và đầy sự khích lệ”, bà Michele Wee thán phục.

Với tổng vốn FDI đăng ký mới trong nửa đầu năm 2023 tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, Ngân hàng DBS có trụ sở tại Singapore cho rằng, Việt Nam là điểm đến FDI hấp dẫn nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Triển vọng tăng trưởng trung hạn tươi sáng, xu hướng tăng trưởng ngày càng tăng và hệ sinh thái điện tử ngày càng phát triển.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, song bà  Yun Liu - Chuyên gia kinh tế nghiên cứu thị trường ASEAN, Ngân hàng HSBC đán giá, kinh tế Việt Nam đang hoạt động tốt hơn hầu hết các quốc gia và vẫn là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất.

“Chúng ta đang chứng kiến những tác động từ việc mở cửa trở lại thị trường của Trung Quốc. Dù tốc độ chậm hơn một chút so với những gì dự kiến vào đầu năm 2023, song Việt Nam vẫn ở vị trí thuận lợi để nhận được dòng vốn FDI ổn định, chất lượng và đặc biệt là rất nhiều dòng vốn đến từ Trung Quốc đại lục”, bà  Yun Liu nhận định.

Theo tờ The Business Times của Singapore, trong những năm gần đây, Chính phủ và khu vực tư nhân đã thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút nhân tài, trong nỗ lực không ngừng để đưa Việt Nam trở thành 1 trung tâm sản xuất công nghệ khu vực. Điều này đã thu hút sự chú ý của hàng loạt “gã khổng lồ” về công nghệ trên toàn cầu, nhiều tập đoàn đã tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu cao trước những “cơn gió ngược” - Ảnh 2.

Việt Nam đang trở thành 1 trung tâm sản xuất công nghệ của khu vực

Ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2023 (ASEAN-BAC 2023) đánh giá, với tốc độ tăng trưởng cao thời gian qua, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực. “Dân số Việt Nam khá đông nhưng với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, giúp thúc đẩy tiêu dùng và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đang có nhiều bước tiến trong lĩnh vực khoa học, công nghệ…", ông Arsjad Rasjid nhìn nhận.

Môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế ổn định, cơ sở hạ tầng được cải thiện và những thay đổi chính sách đã góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong tương lai gần khi những “cơn gió ngược” kinh tế toàn cầu giảm bớt.

Theo Thu Hoài


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...