A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gói kích thích kinh tế có "hồi sinh" được ngành du lịch?

Ngành du lịch Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Năm 2021, tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngày 14/1, Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022 được tổ chức với sự tham gia của ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch). Tại đây, ông Thủy đã đưa ra nhiều hiến kế giải pháp cấp bách và kế hoạch hành động để khôi phục và phát triển ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Doanh thu từ khách du lịch giảm mạnh

Theo ông Phạm Văn Thủy, ngành du lịch Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề bởi cuộc khủng hoảng gây ra do đại dịch Covid-19. Trong đó, về lượng khách, doanh thu du lịch, lượng khách quốc tế cả năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019. Năm 2021 ước tính phục vụ 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, đón khoảng 3.500 lượt khách du lịch quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Về lao động du lịch, từ năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%.

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp. Đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.

Đáng chú ý, doanh nghiệp du lịch xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép. Lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Gần đây nhất, gói kích thích kinh tế mới được ban hành theo ông Thủy chính là "gói cứu thế và hồi sinh ngành du lịch" lần thứ hai.

Gói kích thích kinh tế có hồi sinh được ngành du lịch? - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Du lịch.

Từng bước thí điểm mở cửa thị trường quốc tế

Tại Diễn đàn, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã gợi mở nhiều giải pháp để phục hồi ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Trước hết là tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa toàn quốc, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa. Ngành cần coi du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững.

Hai là từng bước thí điểm mở cửa thị trường quốc tế. Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 

Lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh thông qua các chuyến bay thuê chuyến theo các chương trình du lịch trọn gói tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn.

Theo đó, dự kiến mở rộng địa bàn đón khách, gồm: Thí điểm đón khách du lịch thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc thương mại quốc tế thường lệ tại thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Định.

"Các địa phương cần xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng, bổ trợ cho nhau", ông Phạm Văn Thủy lưu ý.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ để thực hiện các giải pháp phục hồi ngành du lịch gắn với Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022 – 2023.


Tác giả: admin1
Nguồn:cafef.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết