A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bất động sản "dò đáy"

Dù thị trường bất động sản nhiều phân khúc giảm giá liên tục, thậm chí có nơi chủ đầu tư giảm 50% nhưng người mua nhà vẫn chờ giá giảm thêm khiến thanh khoản thị trường chưa cải thiện.

Bất động sản 'dò đáy' - Ảnh 1.

Người mua vẫn chờ giá nhà giảm. Ảnh: Như Ý

Ôm tiền chờ giá giảm thêm

Có nhu cầu mua căn hộ chung cư giá 2,5 tỷ đồng tại Cầu Giấy (Hà Nội) để con học cấp 2 tại một trường công ở gần đó nhưng nhiều tháng nay, chị Minh Ngọc (nhân viên công ty tổ chức sự kiện ở Hà Nội) không tìm được căn hộ phù hợp. Chị Ngọc chia sẻ, suốt từ năm 2022 khi giá chung cư Hà Nội lên đến đỉnh điểm cho tới thời điểm này, giá tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. “Tại quận Cầu Giấy, chung cư cao cấp đã đi vào sử dụng nhiều năm hiện giá vẫn trên 50 triệu đồng/m2; chung cư mới có giá trên 60 triệu đồng/m2… Thực sự tìm căn hộ giá hơn 2 tỷ đồng với 2 phòng ngủ quá khó”, chị Ngọc nói.

Chị Ngọc cho biết, vẫn kiên nhẫn chờ giá giảm thêm do không muốn vay ngân hàng. “Lãi suất ngân hàng hiện chỉ được ưu đãi 1- 2 năm đầu sau thả nổi theo thị trường. Năm vừa qua, lãi suất cho vay biến động lên trên mức 16%/năm nên tôi không dám vay để mua nhà. Nếu vay với mức cao như vậy, rất rủi ro”, chị Ngọc nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, tâm lý “dò đáy” bất động sản còn hiện hữu. Theo đó, các phân khúc từ đất nền, liền kề, biệt thự, chung cư đều có sức mua kém. Nguyên nhân chính là người có nhu cầu nhưng không đủ tài chính ngần ngại tiếp cận vốn vay do lo tín dụng còn nhiều biến động. Dân đầu cơ nhận thấy không có sóng để lướt nên vẫn ôm tiền đứng ngoài thị trường. Tình trạng này được dự báo có thể kéo dài đến hết năm nay. Hiện chỉ có những người có nhu cầu thật sự mới đi tìm hiểu các dự án và đa phần vẫn dè dặt chưa muốn xuống tiền.

Theo Bộ Xây dựng, phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương hầu như có xu hướng giảm giá và ít có giao dịch do giá đã quá cao và niềm tin của khách hàng vẫn còn thấp, chi phí lãi vay vẫn cao.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý 1/2023, cả nước ghi nhận khoảng 106.401 giao dịch nhà ở, đất nền thành công, bằng 61,2% so với quý I/2022. Cũng theo báo cáo này, chung cư Hà Nội có sự giằng co tăng, giảm. Cụ thể, tại dự án Vinhomes Metropolis (Ba Đình), giá căn hộ tăng khoảng 3,5% (lên mức 99,1 triệu đồng/m2). Tại dự án Lạc Hồng Westlake (Phú Thượng, Tây Hồ), giá tăng khoảng 3,6% (lên mức 36,1 triệu đồng/m2 chung cư).Tại dự án Mandarin Garden 2 (Tân Mai, Hoàng Mai), giá cũng tăng khoảng 4,1% (lên mức 43,9 triệu đồng/m2 chung cư)…

Tuy nhiên, nhiều dự án có mức độ biến động giảm giá tương đối như: Home City (Trung Kính, Cầu Giấy) giảm khoảng 5,6% (xuống mức 44,6 triệu đồng/m2), South Tower (Hoàng Mai) giảm khoảng 6,1% (xuống 26,2 triệu đồng/m2), Eco Dream (Thanh Trì) giảm khoảng 5,3% (xuống 34,1 triệu đồng/m2)…

 

Với nhà ở riêng lẻ và đất, theo Bộ Xây dựng, giá giao dịch trong quý 1/2023 có xu hướng giảm từ 3,5-7% so với quý trước, trong đó giá đất nền giảm nhiều ở các địa phương Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa. Giá đất nền tại các dự án hiện hữu cũng giảm khoảng 4,5-8% so với quý trước, giảm nhiều ở các địa phương Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TPHCM.

Bất động sản 'dò đáy' - Ảnh 2.

Giá nhà vẫn còn cao và khó giảm, dù thị trường có vẻ đã chạm đáy. Ảnh: Như Ý

Thị trường căn hộ Hà Nội sẽ sớm tiệm cận với TPHCM

Nhiều nhà đầu tư thời điểm này đang đặt câu hỏi thị trường đã chạm “đáy”?. Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển kinh doanh OneHousing cho rằng, nhiều người mua muốn giá giảm thêm nhưng điều này khó khả thi, nhất là phân khúc chung cư tại thị trường Hà Nội. Theo ông Trung, các yếu tố đầu vào cho sản phẩm căn hộ không thể giảm giá do mấy năm qua không có nhiều dự án được cấp phép.

“Các yếu tố hình thành trên mỗi mét vuông căn hộ không giảm nữa. Tuy nhiên, có những chủ đầu tư cắt lỗ 30- 40% và chấp nhận hy sinh toàn bộ lợi nhuận. Nhưng sau giảm giá, các chuẩn mực tiện ích, vận hành của chủ đầu tư có giữ được như chưa giảm hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ”, ông Trung nói.

Ông Trung cho biết thêm, nhìn vào 2 đợt suy thoái kinh tế cách đây 10 năm so với thời điểm hiện tại cho thấy, Chính phủ lần này vào cuộc quyết liệt hơn với các giải pháp cụ thể. “Giai đoạn này người dân bị kẹt dòng tiền nhưng không phải không có tài sản. Những cú sốc của thị trường liên quan đến thắt chặt dòng tiền đã qua. Tôi cho rằng, với thị trường căn hộ ở Hà Nội sớm muộn sẽ tiệm cận với TPHCM”, ông Trung nói.

Theo Ngọc Mai


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...