Chuyên gia thị trường: Không ai khác, FED chính là vấn đề lớn nhất đối với tài chính Mỹ
Theo Jim Grant, tác giả nổi tiếng của tạp chí Grant’s Interest Rate Observer, tình trạng tiến thoái lưỡng nan về trần nợ, hỗn loạn trong ngành ngân hàng và xu hướng của thị trường đối với lãi suất cực thấp có một điểm chung: Đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Vị chuyên gia về thị trường cho biết thời kỳ lãi suất thấp ở mức gần bằng 0% đã tạo ra môi trường đầy thách thức mà các nhà đầu tư hiện đang phải đối phó. Chính sách của FED trong vòng 10-12 năm qua đã gieo mầm cho các vấn đề của ngân hàng khu vực và trần nợ. Và có lẽ, lời chỉ trích gay gắt nhất của Grant là quan điểm “FED là vấn đề lớn nhất trong nền tài chính Mỹ”.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với MarketWatch, ông cho rằng việc giảm lãi suất sẽ gây đủ loại biến dạng trong nền kinh tế. Trong đó có hoạt động tiết kiệm, khi người gửi phải mò mẫm kiếm chút tiền lãi từ khoản tiết kiệm của họ.
Việc tìm kiếm những khoản lợi nhuận dồi dào hơn khiến nhiều nhà đầu tư bình thường rơi vào thế bị động. Điều này cũng khiến nhiều tổ chức tài chính mắc sai lầm. Trong đó có cả các ngân hàng như First Republic Bank. Ngân hàng này duy trì danh mục với các khoản thế chấp khổng lồ cho khách hàng giàu có.
Những tài sản tương tự ở nhiều ngân hàng đã mất giá trị trong bối cảnh FED liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Mặc dù đã giảm so với mức cao nhất là 9,1% vào tháng 6/2022. Nhưng lạm phát của Mỹ vẫn ở mức 4,9% trong tháng 4.
Trước tình trạng lạm phát tăng nhanh như vậy, Fed đã tăng mạnh lãi suất cơ bản, lên mức 5% -5,25% trong 14 tháng qua, đưa lãi suất lên mức cao nhất trong khoảng 16 năm. Lãi suất quỹ liên bang là tiêu chuẩn cung cấp thông tin cho mọi thứ từ khoản thế chấp đến vay mua ô tô. Trong quý I năm 2022, lãi suất vẫn còn ở mức 0% - 0,25%.
Phần lớn thị trường đang dự đoán rằng FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào giữa tháng 6. Nhưng những dấu hiệu căng thẳng của thị trường, cộng thêm lạm phát vẫn còn cao sẽ làm phức tạp thêm vấn đề. Hàng loạt tổ chức tài chính suy sụp phản ánh áp lực mà các ngân hàng đang phải đối mặt.
Những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng là một trong số những hậu quả ngoài ý muốn mà ông Grant đang đề cập đến. Những lo lắng trong hệ thống có thể khiến các ngân hàng ngần ngại cho vay, từ đó gây thêm áp lực đối với tăng trưởng kinh tế.
Những lo ngại về khả năng thanh toán nợ của chính phủ Mỹ trong bối cảnh Quốc hội bất đồng quan điểm cũng gây ra bất ổn.
Ngày càng nhiều người cược rằng Mỹ cuối cùng sẽ rơi vào suy thoái. Một chỉ báo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York chỉ ra 68% khả năng xảy ra suy thoái trong vòng 12 tháng tới.
Lãi suất có tạm dừng tăng vào tháng 6 thì cũng chưa rõ sẽ kéo dài bao lâu. Vì nhiệm vụ kiềm chế lạm phát dường như vẫn chưa hoàn thành.
Lạm phát lõi, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng 5,5% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Đây được cho là yếu tố dự báo chuẩn xác hơn về lạm phát trong tương lai.
Thống đốc FED Michelle Bowman đã phát tín hiệu rằng bà không ủng hộ ý tưởng lãi suất được giữ ổn định trong thời gian còn lại của năm. Bà cho rằng các báo cáo việc làm, CPI gần đây không cung cấp đủ bằng chứng nhất quán cho thấy lạm phát đang giảm. Thống đốc cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dữ liệu sắp tới.
Vậy, tình trạng hiện tại có phải lỗi do FED không? Chẳng phải FED đã hoàn thành phần việc của mình là giảm bớt áp lực giá cả hay sao?
Chuyên gia Grant tin rằng thị trường đã quen với lãi suất thấp trong một thời gian dài. Ông nói rằng FED đã phạm phải hàng loạt sai lầm trong thời gian dài. Dẫn chứng là bảng cân đối kế toán của FED giống với của ngân hàng như First Republic Bank ở chỗ kiếm được 2% lợi nhuận thì trả nợ 4-5%.
Kết luận, Jim Grant vẫn cho rằng FED sẽ tiếp tục hành động “tiện tay” đối với chính sách lãi suất.
Tham khảo: MarketWatch
Thiên Di