Bắt bệnh lý do xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc giảm mạnh
Từ đầu năm đến nay, lượng hồ tiêu xuất đi Trung Quốc giảm hơn 84%. Indonesia và Việt Nam chiếm tổng cộng 90% thị phần hồ tiêu nhập khẩu của Trung Quốc.
Cạnh tranh về giá với cà phê Indonesia
Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu 9 tháng tăng đến hơn 46% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, châu Á - khu vực xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam lại giảm 33,7%, trong đó chủ yếu giảm từ thị trường Trung Quốc.
Bắt bệnh lý do xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc giảm mạnh. Ảnh: S.T |
Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), 9 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 200.894 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 177.953 tấn, tiêu trắng 22.941 tấn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 991 triệu USD, trong đó, tiêu đen đạt 781,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 142,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất giảm 1,7%, nhưng kim lại tăng đến 46,1%.
Lý do giá trị xuất khẩu tăng mạnh là do giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 9 tháng đạt 4.852 USD/tấn, tiêu trắng 6.461 USD/tấn; tăng lần lượt 40,9% và 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, châu Á vẫn là khu vực xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam chiếm 37,8%, đạt 75.859 tấn, tuy nhiên, so cùng kỳ giảm 33,7%, trong đó, chủ yếu giảm từ thị trường Trung Quốc.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hồ tiêu của nước này trong tháng 8 đạt 890 tấn, trị giá 5,8 triệu USD, giảm 54,7% về lượng và 36,8% về trị giá so với tháng trước, nhưng tăng 23,7% về lượng và 80,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế trong 8 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 7.484 tấn hồ tiêu, trị giá 36,1 triệu USD, tăng 21,9% về lượng và 41% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Hai thị trường cung cấp tiêu chính cho Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm vẫn là Indonesia và Việt Nam. Trong đó, nhập khẩu từ Indonesia đạt cao nhất với 4.399 tấn, tăng mạnh 53,2% so với cùng kỳ và chiếm đến 58,8% trong tổng lượng hồ tiêu nhập khẩu vào Trung Quốc.
Tiếp đến, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 2.329 tấn, tăng 7,2% và chiếm 31,1% dung lượng nhập khẩu của thị trường. Tính chung Indonesia và Việt Nam chiếm tổng cộng 90% thị phần hồ tiêu nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc chủ yếu là lượng hồ tiêu nhập khẩu chính ngạch. Còn theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm (bao gồm chính ngạch và tiểu ngạch) đạt 8.905 tấn, giảm mạnh 84,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 8 tháng đầu năm nay, giá tiêu nhập khẩu của Trung Quốc đạt bình quân 4.825 USD/tấn, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân từ Indonesia tăng 10,9%, lên 4.611 USD/tấn; trong khi giá nhập khẩu từ Việt Nam tăng 24,1% lên 4.708 USD/tấn.
Giá thành từ Indonesia cạnh tranh hơn, đây có thể là một trong những lý do chính giúp cho lượng hồ tiêu của nước này xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian qua.
Dự báo xuất khẩu cả năm thu về 1,3 tỷ USD
Hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản chủ đạo của Việt Nam, được mệnh danh là kho báu tỷ đô khi thu về hàng tỷ USD. Đáng chú ý, hiện nước ta đang dẫn đầu về xuất khẩu trên thế giới khi chiếm đến 60% thị phần. Hồ tiêu và gia vị của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Theo đánh giá của VPSA, sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2024 ước giảm 10% so với năm 2023, chỉ còn khoảng 170.000 tấn - mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Diện tích trồng hồ tiêu cũng ngày càng bị thu hẹp do nông dân chuyển đổi cây trồng trong khi nguồn cung hạt tiêu trên thị trường toàn cầu đang thiếu hụt gần 100.000 tấn so với nhu cầu. Theo VPSA, lượng hồ tiêu trong dân gần như không còn, chỉ còn ở trong các đại lý và kho của doanh nghiệp.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino vào đầu năm đã liên tục tác động đến việc canh tác sản xuất và duy trì vườn tiêu của người nông dân. Tiếp sau đó là hiện tượng La Nina tác động đến tâm lý người nông dân, nhất là trong thời điểm hiện tại giá sầu riêng và cà phê đang ở mức cao nên vẫn chưa đủ hấp dẫn để tái canh hồ tiêu ồ ạt.
Giá hồ tiêu ngày 14/10 tại một số vùng trồng trọng điểm không thay đổi so với hôm qua. Qua đó, giữ mặt bằng giá tiêu trong nước ở mức từ 143.000 đồng/kg đến 144.000 đồng/kg. Thị trường hồ tiêu Việt Nam đang chứng kiến sự giảm giá do nguồn cung tăng từ Indonesia và Ấn Độ, dự báo tăng 5-6% vào năm 2024.
Đại diện VPSA cho rằng, sau khi chạm mốc hơn 200.000 đồng/kg các tháng trước, giá hồ tiêu quay đầu giảm và đứng quanh mốc 150.000 - 160.000 đồng/kg thời gian qua chủ yếu do tác động từ hoạt động xuất khẩu, cung cầu, đặc biệt khi nhiều nước vào vụ thu hoạch. “Giá hồ tiêu vẫn đang tốt hơn hẳn so với các năm qua, nhiều nông dân đã có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, việc giá tăng giảm trong ngắn hạn có thể xảy ra vì mặt hàng này đang chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố”, đại diện VPAS chia sẻ.
Theo nhiều doanh nghiệp, Việt Nam chiếm gần 50% nguồn cung hồ tiêu toàn cầu, với vụ mùa kéo dài từ tháng 2-4, giá thời điểm này có thể biến động, nhưng dự báo vẫn ở mức tốt vì nguồn cung cơ bản vẫn thiếu không đáp ứng đủ cầu.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá hồ tiêu thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn do nguồn cung hạn chế. Brazil và Indonesia đang vào vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu thế giới không tăng mạnh, cùng với việc Trung Quốc không mua nhiều dẫn đến giá chỉ có khả năng tăng nhẹ.
Theo dự kiến, vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2025 của Việt Nam gần như tập trung vào tháng 2/2025, một số vùng sẽ kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1 - 2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, khiến nguồn cung hồ tiêu Việt Nam ngày càng hạn chế.
Theo các doanh nghiệp, với việc xuất khẩu năm 2024 còn 3 tháng nữa, chắc chắn ngành hồ tiêu gia nhập "câu lạc bộ tỉ đô", thậm chí có thể đạt 1,3 - 1,4 tỉ USD nếu giá tiêu tăng tốt.