A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Với tư duy đổi mới, ý chí vươn lên và tình yêu văn hóa dân tộc nhiều dự án khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên được thực hiện. Những dự án này thể hiện sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Xây dựng câu chuyện văn hóa cho sản phẩm

Vòng chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 diễn ra sôi nổi với sự tranh tài của 32 dự án. Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay quy tụ nhiều dự án sáng tạo, thể hiện sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Nổi bật trong đó là dự án "Bảo tồn và phát triển men lá truyền thống của người H'Mông" (Hà Giang) do bạn trẻ Tạ Thảo Nhi thực hiện. Nhi đã mạnh dạn biến di sản văn hóa men lá truyền thống của dân tộc H'Mông thành sản phẩm khởi nghiệp.

Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Các vị đại biểu tham quan sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên nông thôn

Nhi cho biết, hiện nay, nghề làm men lá truyền thống của người H'Mông xã Thanh Vân (Hà Giang) đang dần bị lãng quên do sự thay đổi của lối sống hiện đại và sự ảnh hưởng từ các loại men công nghiệp. Vì vậy, dự án "Bảo tồn và phát triển men lá truyền thống của người H'Mông” được cô gái trẻ nghiên cứu, xây dựng.

Xác định chỉ khi dựa vào những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển kinh tế cho đồng bào thì mới thật sự bền vững, năm 2022, Nhi đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Du lịch cộng đồng Thanh Vân với diện tích hơn 200m2, đầu tư hệ thống máy móc hiện sản xuất men lá truyền thống, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động; việc làm thời vụ cho 4 lao động địa phương. Đây cũng là cách cô gái trẻ động viên đồng bào Mông giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo thêm điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch.

Tạ Thảo Nhi (Quản Bạ) với Dự án Bảo tồn và phát triển men lá truyền thống của người dân tộc H'Mông

Tạ Thảo Nhi với dự án "Bảo tồn và phát triển men lá truyền thống của người dân tộc H'Mông"

Bên cạnh đó, Nhi cũng tận dụng mạng xã hội, đầu tư quảng cáo bằng những video ngắn về quy trình làm men lá truyền thống, xây dựng các câu chuyện văn hóa đằng sau sản phẩm. Từ đó, Hợp tác xã đã cung cấp ra thị trường 2 đến 3 nghìn bánh men lá, thu nhập khoảng 300 đến 400 triệu đồng/ năm.

Vượt qua hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, dự án "Bảo tồn và phát triển men lá truyền thống của người Mông” đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Làm du lịch cộng đồng từ chính nhà mình

Cũng từ tình yêu văn hóa dân tộc chàng trai dân tộc Hà Nhì - Phu Chuy Thó (Lào Cai) đã mạnh dạn “bỏ phố về rừng” để phát triển du lịch cộng đồng từ ngôi nhà truyền thống của gia đình mình. Thó cho biết, cách làm này sẽ bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc Hà Nhì, vừa tạo ra nét riêng, thu hút khách du lịch.

Sinh ra ở thôn Mò Phú Chải (xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai) Thó luôn tự hào về những ngôi nhà trình tường là kiến trúc truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Chàng trai trẻ khao khát lan tỏa nét văn hóa đó đến nhiều người.

Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Phu Chuy Thó (Lào Cai) đã mạnh dạn “bỏ phố về rừng” để phát triển du lịch cộng đồng từ ngôi nhà truyền thống của gia đình

Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, sau vài năm làm việc tại Thủ đô, Thó quyết định trở về quê thực hiện ước mơ làm du lịch. Thời điểm ấy, một số gia đình Hà Nhì đã phá bỏ nếp nhà đất truyền thống để xây nhà cao tầng kiên cố, trong khi đó, Thó lại giữ gìn ngôi nhà truyền thống của gia đình.

Chàng trai trẻ quyết định làm homestay từ chính ngôi nhà đất cũ kĩ đó. “Khi quyết định làm homestay bằng nhà đất, tôi muốn giữ gìn, quảng bá, phát triển du lịch gắn với nét đẹp văn hóa dân tộc mình đến du khách bốn phương”, Thó cho biết.

Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc

Nhiều dự án khởi nghiệp của thanh niên nông thôn thể hiện sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Vì thế, trong khu homestay “Khám phá Y Tý” có rất nhiều căn bungalow được xây dựng theo kiến trúc “nhà nấm” bằng đất độc đáo của người Hà Nhì giữa mênh mông núi rừng. Chàng trai trẻ cũng trang trí homestay những đồ dùng, vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người Hà Nhì, tạo nên những góc như bảo tàng thu nhỏ về văn hóa của dân tộc này.

Không chỉ làm nhà cho khách lưu trú, Thó còn phát triển các dịch vụ đi kèm như: Ăn uống với những món ăn đặc trưng núi rừng, tổ chức cho du khách tìm hiểu về cảnh quan, trải nghiệm văn hóa bản địa của người Hà Nhì, bố trí hát múa các làn điệu dân ca truyền thống... Chính những điều này khiến homestay của chàng trai trẻ thu hút khách du lịch nhiều hơn.

Ngày 27/11, vòng chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024 được tổ chức với sự tranh tài của 32 dự án xuất sắc. Đây là sân chơi đặc biệt do Trung ương Đoàn tổ chức nhằm khuyến khích thanh niên nông thôn phát huy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn cho biết, cuộc thi không chỉ là nơi cổ vũ tinh thần sáng tạo mà còn là bước đệm để thanh niên nông thôn tiến xa hơn trong hành trình khởi nghiệp. Các dự án tham gia vòng chung kết năm nay đều đa dạng về lĩnh vực, từ nông nghiệp thông minh, sản xuất sạch đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhiều ý tưởng không chỉ mang tính đột phá mà còn có tiềm năng ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành nông nghiệp.

Vòng chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn", là một trong những hoạt động nổi bật tại Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX, năm 2024

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...