A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Startup du lịch dần phục hồi và phát triển sau đại dịch

Thị trường du lịch mở cửa đã giúp các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ du lịch (travelTech) cũng dần phục hồi và phát triển sau đại dịch covid-19.

Startup du lịch tái khởi động để phục hồi

Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực khiến cho ngành du lich bị ảnh hưởng nặng nề chưa từng có. Khoảng 90-95% số lượng doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm phần lớn nhân sự. Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để các startup tiếp tục khắc phục khó khăn tìm hướng đi mới.

Là một ứng dụng được thành lập tại Anh Quốc nhằm kết nối người du lịch với những người bản địa ở Việt Nam. Nhưng trong thời gian 2 năm du lịch và các hoạt động dịch chuyển xuyên biên giới bị gián đoạn, ngay lập tức Tubudd tập trung vào phát triển hóa sản phẩm công nghệ, tập trung vào thị trường nội địa, tối ưu hóa các chi phí và đào tạo chuyên môn cho đội ngũ bản địa.

Startup du lịch dần phục hồi và phát triển sau đại dịch
Startup du lịch dần phục hồi và phát triển sau đại dịch

Giám đốc điều hành Tubudd Vũ Thị Thái An chia sẻ: Do diễn biến dịch Covid-19 nên khách du lịch đến Việt Nam du lịch và bị mắc kẹt lại, may mắn thay đây cũng chính là lúc Tubudd trở thành nơi họ tìm đến gỡ rối, để lắng nghe, tìm kiếm thông tin hay hỗ trợ địa điểm ở và các vấn đề liên quan. Từ đó, Tubudd phát sinh các dịch vụ kinh doanh bản địa (business buddy), biên dịch, phiên dịch online qua những cuộc họp xuyên quốc gia, giúp đỡ những người bị mắc kẹt, hay những du khách muốn ở lại Việt Nam lâu dài hơn. Bên cạnh đó, Tubudd tập trung vào các dịch vụ du lịch, hỗ trợ khách hàng về Visa, xe cộ phương tiện đi lại để họ cảm thấy thoải mái nhất khi ở lại Việt Nam.

Trong khi đó startup Luxstay triển khai thêm mảng phương tiện truyền thông chuyên về du lịch có tên là Travelmag để đóng góp vào nỗ lực chung quảng bá và khôi phục du lịch Việt Nam, đồng thời cũng giúp Luxstay tăng thêm lượng khách hàng tiềm năng, phát triển bền vững hơn. Thay vì đầu tư ồ ạt vào marketing và các chương trình khuyến mãi, Luxstay cũng tìm hướng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực để đa dạng nguồn thu. Hiện Luxstay đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố, điểm du lịch tại Việt Nam và có kế hoạch mở rộng sản phẩm tại nhiều quốc gia, nhất là các nước châu Á.

Mở rộng hợp tác

Nhờ những nỗ lực khắc phục khó khăn trong thời điểm dịch bệnh nên ngay sau khi Việt Nam mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế thì Tubudd đã gọi vốn thành công và nhận khoản đầu tư 6 con số vòng seed từ quỹ TheVentures đến từ Hàn Quốc.

Theo đại diện của Tubudd, với khoản đầu tư từ TheVentures, Tubudd tái định vị thương hiệu với mục tiêu và sứ mệnh mới dựa trên giá trị cốt lõi là một nền tảng kết nối khách du lịch quốc tế với những người bạn bản địa. Tubudd sẽ phát triển các chiến lược như nâng cao chuyên môn hoá những người làm du lịch địa phương theo các nhóm phân loại, xếp loại. Tubudd mong muốn trong tương lai không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà sẽ phát triển sang các thị trường tiềm năng như Thái Lan, Malaysia, Philipines, Indonessia, Hongkong.

Startup du lịch dần phục hồi và phát triển sau đại dịch
Lễ ký kết đầu tư giữa quỹ TheVentures và nền tảng Tubudd

Cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 60,8 triệu lượt người, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt 602.000 lượt người. Chính từ sự phát triển thị trường du lịch nội địa sẽ tạo cơ hội vàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ du lịch vươn mình.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia muốn lấy lại đà tăng trưởng du lịch, đòi hỏi phải có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn và định hướng, giải pháp phát triển kịp thời, đúng hướng cho các startup công nghệ du lịch. Bà Hoàng Thị Kim Dung – đại diện của Quỹ Genesia Ventures cho biết: các startup công nghệ du lịch Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại về doanh thu do tác động tiêu cực của Covid-19 nên giai đoạn này vẫn chưa có nhiều đột phá.

Vì vậy, để hỗ trợ startup du lịch phục hồi và phát triển lâu dài cần phải có sự vào cuộc đồng bộ giữa doanh nghiệp trong ngành, các cơ quan trong ngành và start-up để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành mới tạo được động lực giúp các start-up tham gia vào ngành mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những thành phố có tiềm năng du lịch lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh... cũng cần có đề án tổng thể cấp quốc gia để thúc đẩy du lịch thông minh, sử dụng công nghệ như đòn bẩy. Ngoài ra, cần có hỗ trợ từ Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp thì khởi nghiệp cất cánh.


Tác giả: Hải Yến
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết