A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Phước: Hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp

Những năm qua, được hỗ trợ vốn, kinh nghiệm và tham gia các lớp tập huấn, truyền thông về chủ trương, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều hội viên Hội LHPN huyện Lộc Ninh, Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

 Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hội viên phụ nữ đã có cơ hội làm giàu, thoát nghèo (Trong ảnh: phụ nữ Lộc Ninh vươn lên thoát nghèo - ảnh: Báo Bình Phước).

*Lộc Ninh là huyện biên giới, hiện huyện có 33.833 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó 28% phụ nữ dân tộc thiểu số. Các gia đình hội viên phụ nữ chủ yếu làm nông, công nhân, mua bán nhỏ và làm thuê. Bên cạnh khai thác nguồn vốn, Hội LHPN huyện Lộc Ninh còn phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho thành viên hội đồng quản trị hợp tác xã (HTX), ban quản lý các tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ quản lý.

Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Lộc Ninh đã tích cực, chủ động trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp.

Từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN huyện Lộc Ninh đã giúp 269 hộ phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, trong đó có 64 hộ phụ nữ dân tộc thiểu số, 55 phụ nữ tín đồ tôn giáo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 6,78% đầu nhiệm kỳ hiện còn 1,68%.

*Với nhiều giải pháp hiệu quả về hỗ trợ vốn tín dụng, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phụ nữ huyện Đồng Phú đang được trao cơ hội để vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống, đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương.

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, Hội LHPN huyện đã tổ chức hoạt động tuyên truyền nhằm cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng xây dựng và phát triển ý tưởng khởi nghiệp cho phụ nữ. Đồng thời thành lập và duy trì hoạt động 18 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại 11 xã, thị trấn với 141 thành viên. 

Để chương trình đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, hội đã phối hợp Ban chỉ đạo giảm nghèo huyện rà soát hộ nghèo, cận nghèo để có hướng giúp đỡ hội viên, phụ nữ phù hợp. Trên cơ sở đó, các cấp hội đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo từng địa chỉ cụ thể. Vì thế, hầu hết nữ chủ hộ nghèo, cận nghèo được hội giúp đỡ về vốn, kỹ thuật, kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất - kinh doanh. 

Từ năm 2016 đến nay, các cơ sở hội đã vận động tiết kiệm hơn 13,7 tỷ đồng giúp các chị hoàn cảnh khó khăn vay; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân hơn 78,4 tỷ đồng cho 2.149 hộ vay để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hội còn phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên; các hoạt động hướng dẫn khởi nghiệp, khai thác, sử dụng vốn vay hiệu quả; hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hội đã phối hợp tổ chức 25 lớp cạo mủ cao su, chăm sóc điều cho hội viên; giới thiệu việc làm cho 2.508 chị. Nhờ vậy, nhiều hội viên đã thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với nhiều cách làm sáng tạo, hội LHPN các cấp ở huyện Đồng Phú đã trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, vươn lên trong cuộc sống./.

Hoàng Mẫn (t/h)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết