Không phải Mỹ, Trung, đây mới là thị trường xe điện 'khủng' nhất thế giới, chỉ 1 startup nhỏ cũng có trung tâm EV gần 1.000 ha
Thị trường xe điện tại quốc gia này dự kiến đạt hơn 150 tỷ USD vào cuối thập kỷ, tức gấp khoảng 400 lần quy mô hiện tại.
Ola Electric đang lên kế hoạch xây dựng trung tâm xe điện lớn nhất thế giới với khoản đầu tư trị giá 76,1 tỷ rupee (920 triệu USD) nhằm địa phương hóa chuỗi cung ứng cho mạng lưới giao thông sạch, theo Bloomberg.
Trung tâm này, trải rộng 2.000 mẫu Anh (khoảng 809 ha) tại bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ, sẽ được sử dụng để sản xuất xe máy, ô tô và pin. Công cuộc sản xuất hàng loạt tại trung tâm mới dự kiến bắt đầu vào cuối năm nay.
Theo các chuyên gia, việc nội địa hóa các nguyên liệu quan trọng của chuỗi cung ứng, chẳng hạn như pin, sẽ giúp EV có giá thành phải chăng hơn, song Ấn Độ chỉ có một phần nhỏ nguyên liệu thô cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong nước đối với pin lithium-ion. Được biết ngoài Ola, Reliance Industries của tỷ phú Mukesh Ambani và công ty tinh chế vàng thỏi Rajesh Export sẽ nhận được các ưu đãi theo chương trình hỗ trợ trị giá 2,3 tỷ USD của chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển pin tiên tiến.
Theo Bloomberg, việc xây dựng một chuỗi cung ứng đáng tin cậy có thể giúp Ola giải quyết các vấn đề trong quá trình sản xuất xe điện. Công ty có trụ sở tại Bengaluru này trước đó đã thu hồi hơn 1.000 chiếc xe tay ga điện sau sự cố bốc cháy. Việc giao xe tay ga Ola ban đầu cũng bị trì hoãn do Ấn Độ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn vì thiếu chip.
Hồi năm ngoái, Ola tiết lộ pin lithium-ion đầu tiên được phát triển tại trung tâm đổi mới tại Bengaluru. Trong thập kỷ tới, startup này sẽ tập trung phát triển chuỗi cung ứng địa phương cho các vật liệu và linh kiện, chẳng hạn như động cơ, nam châm, chất bán dẫn…
Việc xây dựng một chuỗi cung ứng đáng tin cậy có thể giúp Ola giải quyết các vấn đề trong quá trình sản xuất xe điện.
Theo các chuyên gia, bất kể Ola Electric có thành công hay không, hãng xe này vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy thị trường xe điện và thu về hàng triệu USD đầu tư cho Ấn Độ. Trong tương lai, nhà sáng lập Bhavish Aggarwal thậm chí còn kỳ vọng startup của mình có thể thế chân Tesla của Mỹ, BYD của Trung Quốc và trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xe điện.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Aggarwal cho biết bản thân muốn gây dựng Ola một cách lâu dài và nghiêm túc. Ông tin rằng Ấn Độ có thể vượt qua các đối thủ không chỉ nhờ các mẫu xe điện quá rẻ, mà còn bằng 5G, năng lượng xanh và di chuyển bền vững. Với ông, tiến bộ trong việc đạt được mục tiêu đó là “thước đo để thế giới nhìn nhận chúng ta”.
“Không có thành công nào không phải trải qua mồ hôi và nước mắt”, Bhavish Aggarwal nói.
Theo Bloomberg, Ấn Độ hiện là nhà sản xuất xe máy lớn nhất thế giới. Nhu cầu tìm kiếm các giải pháp thay thế Trung Quốc khiến nước này nổi lên như một giải pháp nhờ khả năng chế tạo các loại xe giá rẻ phục vụ nhiều nền kinh tế đang phát triển muốn phát triển bền vững. Ở Ấn Độ, trợ cấp chính phủ và lao động giá rẻ đang giúp chi phí sản xuất một chiếc xe điện ngang bằng, hoặc thậm chí rẻ hơn cả xe động cơ đốt trong.
“Chiếc Tesla rẻ nhất có giá 50.000 USD và gần như rất ít khu vực mua được. Trong khi đó, chúng tôi lại có lợi thế dẫn đầu cuộc cách mạng xe điện với rất nhiều sự lựa chọn khác nhau, từ 1.000 USD đến 50.000 USD”, Aggarwal nói.
Nhà sáng lập Bhavish Aggarwal kỳ vọng startup của mình có thể thế chân Tesla của Mỹ, BYD của Trung Quốc và trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xe điện.
Theo Research and Markets, thị trường xe điện Ấn Độ dự kiến đạt hơn 150 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, tức gấp khoảng 400 lần quy mô hiện tại. Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng Ấn Độ tỏ ra khá cởi mở với xu hướng xe EV.
“Ấn Độ đang phải đối mặt với câu chuyện ô nhiễm và giá nhiên liệu thiếu ổn định, bởi vậy chúng tôi quan tâm hơn tới các dòng xe điện”, anh Rajat Kumar, khách tham quan Triển lãm ô tô Ấn Độ hồi đầu năm chia sẻ.
“Thật bất ngờ khi có rất nhiều mẫu xe điện được giới thiệu tại đây. Tôi đang rất hứng thú với việc mua một chiếc xe máy điện mới”, anh Rubal, khách tham quan triển lãm nói.
Quay trở lại hồi năm 2017, thời điểm Aggarwal thành lập Ola Electric và bắt đầu sản xuất xe điện. Việc người đàn ông sử dụng thương hiệu Ola cho dự án riêng đã khiến nhiều nhà đồng sáng lập bất bình, theo Bloomberg.
“Tôi nghĩ rằng thật không công bằng khi tạo gánh nặng cho người khác. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư có thể không tham gia dự án này. Ai muốn đầu tư thì đã đầu tư rồi”, Aggarwal nói.
Phần lớn thời gian được Aggarwal dùng để gây dựng Ola Electric. Thông thường, các công ty xe điện phải mất ít nhất vài năm để thành hình, song ông lại muốn rút ngắn thời gian để nhanh chóng cạnh tranh với các đối thủ địa phương như Ather Energy.
Tháng 3/2021, Aggarwal lên kế hoạch cho 10 dây chuyền sản xuất với công suất hàng năm lên tới 10 triệu chiếc xe tay ga, đồng thời hy vọng có thể xuất khẩu xe sang châu Âu và châu Mỹ Latinh. Sáu tháng sau, nhà máy Ola Futurefactory ra đời. Chiếc xe đầu tiên đã được tung ra thị trường vào năm 2021.
Thay vì sử dụng mô hình đại lý, Ola Electric tiếp cận người mua thông qua phương tiện truyền thông xã hội - chiến thuật chưa một nhà sản xuất ô tô nào từng kinh qua.
Toàn bộ quá trình sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến, bao gồm hàn ma sát siêu âm để tạo ra hàng trăm kết nối trong mỗi bộ pin. Dây chuyền lắp ráp cũng không gây tiếng ồn và được robot hỗ trợ.
Bất chấp những thách thức kinh doanh xoay quanh Ola đang ngày càng trở nên rõ ràng, người hâm mộ Aggarwal vẫn ngầm hiểu rằng chính ông là người đã thúc đẩy thị trường xe điện và thu về hàng triệu USD đầu tư cho quốc gia tỷ dân.
“Ngày còn nhỏ, tôi được dạy rằng Ấn Độ là một quốc gia đang phát triển. Trách nhiệm của thế hệ chúng tôi là thay đổi điều này và bây giờ chính là thời điểm thích hợp”, Aggarwal nói.
Theo: Bloomberg
Theo Vũ Anh