A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng hành cùng đoàn viên thanh niên khởi nghiệp

Đồng hành cùng đoàn viên thanh niên, những năm qua, các cấp bộ Đoàn tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều hoạt động phong phú hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; qua đó, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Quyết tâm khởi nghiệp tại quê hương

Sinh ra và lớn lên ở xóm Tiểu khu, Cảng Bích Hạ, xã Hoà Bình, Thành phố Hòa Bình (Hòa Bình), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Trường Giang đã quyết định khởi nghiệp với nghề nuôi cá lồng. Tận dụng điều kiện thuận lợi khi gia đình sinh sống cạnh hồ thủy điện Hòa Bình, sau thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, anh Giang mạnh dạn đầu tư nuôi 2 lồng cá với các loại cá chính như: Chiên, lăng, diêu hồng, chép, trắm đen, cá bỗng, cá tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai,… Bên cạnh đó, anh Giang còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng do Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức.

 Nghề nuôi cá lồng đã mang lại cho anh Nguyễn Trường Giang thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Như Quỳnh.

Theo anh Giang, lợi thế của việc nuôi cá lồng tại lòng sông Đà, đó là cá được thay đổi dòng nước từng phút, từng giây. Điều đó giúp cá khỏe, lồng sạch, cám không bị đọng lại như nuôi ao hay bể. Dòng nước lưu thông, trong xanh, giúp cá có màu đẹp, bắt mắt, đặc biệt hơn cả là thịt thơm, dai, ngọt và không bị ngấy. Với hai lồng cá, bình quân mỗi năm anh Nguyễn Trường Giang xuất bán khoảng trên 1 tấn cá thịt. Nghề nuôi cá lồng đã mang lại cho anh Giang thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

"Các hoạt động của tổ chức Đoàn như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng,... đã giúp đỡ tôi rất nhiều, nhất là trong trong những đầu khởi nghiệp", anh Giang chia sẻ.

Cũng thành công từ quyết tâm khởi nghiệp, anh Bùi Văn An ở huyện Yên Thủy (Hòa Bình) lại lựa chọn gắn bó cùng đồng đất quê hương. Năm 2006, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về gia đình, Bùi Văn An luôn băn khoăn suy nghĩ phải làm thế nào để vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương mình. Khởi nghiệp với việc trồng dưa hấu, bí xanh, sau đó, An mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại nuôi gà với tổng diện tích là 1.200 m2 nhằm phát triển quy mô, mang lại thu nhập từ 400 triệu đến 500 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.

Anh Bùi Văn An với mô hình chuồng trại khép kín mang lại thu nhập cao. Ảnh: Xuân Thiên. 

Từ thành công của anh An, 15 hộ dân trong xã đã làm theo mô hình chăn nuôi gà của anh cho năng suất cao và tìm được đầu ra ổn định. Từ năm 2017, anh An tiếp tục chuyển sang chăn nuôi thêm lợn nái siêu nạc. Hiện gia đình anh Bùi Văn An đã xây dựng được mô hình chuồng trại khép kín vừa nuôi lợn vừa giết mổ đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Hàng năm gia đình xuất bán khoảng 80 tấn lợn hơi và 400 con lợn giống mang lại thu nhập từ 2 - 3 tỷ đồng. Mô hình chăn nuôi của anh An cũng đang tạo ra việc làm cho một số lao động thường xuyên với mức lương bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Trường Giang và anh Bùi Văn An chỉ là hai trong số hàng trăm gương đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã thành công nhờ quyết tâm khởi nghiệp tại quê hương. Toàn tỉnh Hòa Bình, hiện có trên 500 mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên với thu nhập hằng năm từ 100 triệu đồng/mô hình/năm trở lên. Các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công của đoàn viên, thanh niên thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác nhau như nuôi trồng thủy sản, kinh tế vườn đồi, trang trại tổng hợp, tiểu thủ công kết hợp du lịch, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp,... 

“Trợ lực” từ tổ chức Đoàn

Tìm hiểu được biết, Đoàn thanh niên tỉnh Hòa Bình có 13 tổ chức Đoàn cấp huyện, trong đó, có 10 huyện, thành phố và 3 đơn vị trực thuộc. Số Đoàn cơ sở là 246 (trong đó, số đoàn xã, phường, thị trấn là 151), số chi đoàn cơ sở là 161; có gần 2.900 Chi đoàn với trên 43.300 đoàn viên. Với phương châm “Đồng hành cùng đoàn viên thanh niên”, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình đã thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên. Đồng thời chú trọng đến việc tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên. Nhờ vậy, chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” đã tạo thành phong trào có sức lan tỏa rộng, hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của thanh niên đã được xây dựng đạt hiệu quả cao; nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Đặc biệt, trong việc hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên, Tỉnh đoàn Hòa Bình đã xây dựng triển khai thực hiện các Đề án: “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2020”; “Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018 - 2022”;… Theo đó, Tỉnh đoàn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tư vấn, hỗ trợ thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm thông qua các hoạt động nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp, sàn giao dịch việc làm, chương trình tiếp sức người lao động và ngày hội tuyển dụng, tư vấn hướng nghiệp...

Tổ chức Đoàn các cấp đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế; tích cực phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh… Tính đến nay, dư nợ nguồn vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hòa Bình là gần 925 tỷ đồng với 615 tổ vay vốn, 23.158 hộ vay, thông qua 16 chương trình cho vay; nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm được phân bổ qua kênh Trung ương Đoàn là 1,4 tỷ đồng với 25 dự án đang được triển khai, các dự án này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Thực tế tại tỉnh Hòa Bình cho thấy, tín dụng chính sách không chỉ là điểm tựa giúp đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, vươn lên làm giàu mà còn góp phần giúp các tổ chức đoàn tập hợp, thu hút các bạn trẻ, tạo sự gắn kết giữa đoàn viên thanh niên với tổ chức Đoàn. Trong quá trình thực hiện ủy thác vốn vay ưu đãi, cán bộ Đoàn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên, từ đó phối hợp cùng cán bộ ngân hàng tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Nhờ vậy, nhiều thanh niên nông thôn đã vươn lên trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương, điều đó góp phần thu hút đoàn viên thanh niên ngày càng gắn kết với các cơ sở Đoàn, đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất.

Cùng với đó, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Hòa Bình còn tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” nhằm giúp đoàn viên thanh niên có cơ hội trải nghiệm, tiếp xúc môi trường khởi nghiệp thực tế, được đào tạo và hướng dẫn chuyên sâu về các kỹ năng khởi nghiệp... Đây còn là cơ hội để đoàn viên thanh niên có ý tưởng, dự án tham gia thuyết phục, thu hút nhà đầu tư tiềm năng. Đến nay, Tỉnh Đoàn Hòa Bình đã chủ động phối hợp tổ chức thành công 4 cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” cấp tỉnh, với sự tham gia của hơn 100 ý tưởng dự án của thanh niên trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, dịch vụ, giáo dục, công nghệ...; đã có 20 ý tưởng, dự án tham dự Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” do T.Ư Đoàn tổ chức.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Luân, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình, xác định đồng hành cùng thanh niên trong phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, những năm qua, chương trình được triển khai sôi nổi trong các cấp bộ Đoàn và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, vừa nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, lập nghiệp; vừa thiết thực hỗ trợ thanh niên có thêm động lực, quyết tâm để nuôi dưỡng đam mê và khởi nghiệp thành công.

Với nhiều nội dung hoạt động phong phú, phù hợp, các cấp bộ Đoàn ở Hòa Bình đã thực sự đồng hành của tuổi trẻ các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Sự lan tỏa sâu rộng của chương trình "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” với hàng trăm mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên thanh niên đã và đang trực tiếp đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương trong tỉnh./.

Phạm Như Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan