8x quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp sau một cuộc trò chuyện, thành quả vượt ngoài mong đợi
Từng rời quê hương với mong muốn “thoát nghèo”, nhưng cuối cùng, người phụ nữ này vẫn quyết định bỏ phố về quê, “bẻ lái” đi theo con đường khởi nghiệp dựng “cơ đồ xanh”.
Từ một cuộc trò chuyện tình cờ, người phụ nữ bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ xà phòng thảo mộc
Với mong muốn lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ thiên nhiên, môi trường và sức khỏe của cộng đồng, chị Bùi Thị Thủy (35 tuổi, Đồng Nai) quyết định bắt đầu hành trình khởi nghiệp và sản xuất ra những sản phẩm, mỹ phẩm từ thảo mộc.
Chưa hết, chị Thủy còn trồng nhiều nông sản hữu cơ theo hướng xanh, sạch, bảo vệ môi trường đất và nước.
Chị Bùi Thị Thủy hiện đang là chủ một nông trại tại Đồng Nai
Được biết, chị Thủy vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, nhưng sau khi hoàn thành việc học ở trường, chị quyết tâm ở lại thành phố tìm kiếm một công việc khác để mong thoát nghèo.
Chị Bùi Thị Thủy tâm sự: "Gia đình mình trồng rau, làm nông nên cả một thời gian dài mình chỉ muốn có một nghề nào đó khác để thoát nghèo. Chính vì vậy, suốt mấy năm sau khi ra trường, mình đã lăn lộn làm thử rất nhiều nghề tại thành phố.
Suốt quãng thời gian đó, mình luôn đau đáu với câu hỏi: Mình muốn làm gì? Nghề nào cho mình thu nhập tốt và khiến bản thân thực sự đam mê?"
Sau một thời gian lăn lộn ở thành phố, chị Thủy lập gia đình. "Thuyền theo lái, gái theo chồng", thời điểm đó chị cùng chồng về quê chồng ở Đồng Nai sinh sống.
Hành trình bỏ phố về quê bắt đầu với chuỗi ngày tìm kiếm, thử nghiệm với đủ các công việc: "Hồi đó mình ước mơ gây dựng một trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn. Mình còn muốn mở một thương hiệu thịt gà sạch hoàn toàn.
Thế nhưng, một thời gian, mình nhận ra rằng bản thân không đủ tiềm lực tài chính, không đủ sức để làm được điều đó vì khâu vận chuyển, giao hàng, kho bãi… cần số vốn cực kỳ lớn.
Mình quyết định dừng lại, chuyển hướng sang trồng rau sạch tại vườn, đem bỏ mối cho các khu chợ trong vùng. Nhưng hai chữ "rau sạch" làm ra đã khó, khi đưa ra chợ người ta chê rau xấu, bán giá rẻ, bỏ công sức nhiều mà số tiền thu lại không được bao nhiêu."
Làm nông đã lắm nhọc nhằn, làm nông nghiệp xanh - sạch còn khó khăn, vất vả gấp bội
Hành trình khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ, dựng "cơ đồ xanh" của chị Thủy trải qua vô vàn khó khăn, thử thách, cùng nhiều bài học kinh nghiệm "xương máu".
Đến năm 2018, sau nhiều năm loay hoay theo đuổi nông nghiệp xanh, bền vững, chị Bùi Thị Thủy bất ngờ tìm thấy "chân ái" sau một cuộc nói chuyện tình cờ.
Chị Thủy nhớ lại: "Một buổi chiều cuối năm 2018, mình ngồi tại Bệnh viện Nhi đồng II - Thành phố Hồ Chí Minh nói chuyện với em gái. Mình kể cho em nghe về cô hàng xóm bên kia đồi ở xóm nhà mình, cô ấy tự nấu nước gội đầu từ vỏ bưởi, chanh, sả, bồ kết.
Em gái bảo, sao chị không làm, em sẽ giúp chị. Rồi em gái kể cho mình nghe về câu chuyện của một bạn nữ bỏ phố về quê trồng thảo mộc, làm dầu gội đầu bán.
Lúc ấy tự nhiên trong đầu mình bật lên suy nghĩ: Bạn ấy làm được thì mình cũng làm được. Sau khi xuất viện về nhà, trong mình dâng lên tình yêu đặc biệt với cây và đất.
Đó mới là thời điểm mình thực sự thấy bản thân gắn bó với nông nghiệp, với sự nghiệp chăm sóc, trồng cây bằng tình yêu thương."
Làm nông trại trồng và sản xuất các sản phẩm từ thảo mộc, kết hợp du lịch trải nghiệm
"Vạn sự khởi đầu nan" - Mọi thứ khi bắt đầu đều đầy rẫy khó khăn. Chị Bùi Thị Thủy cũng không tránh khỏi những thử thách khi bắt tay làm nông trại, tự trồng, chăm sóc thảo mộc để làm nguyên liệu sản xuất xà phòng, mỹ phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên.
Quyết không dùng bất cứ loại hóa chất và không sử dụng bất cứ phương thức nghịch tự nhiên nào, chị Thủy trực tiếp trồng, chăm sóc cây, theo dõi chi tiết quá trình cây sinh trưởng, đo tính từng lượng nước mưa, nước tưới để học cách hiểu đất, hiểu cây, hiểu thời tiết.
Chị Thủy cùng các nhân viên của mình trực tiếp trồng, chăm sóc cây, theo dõi chi tiết quá trình cây sinh trưởng
Mặc dù chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức, thiếu nguồn vốn. Chưa kể, hành trình khởi nghiệp đôi khi rất đơn độc. Bởi lúc ấy, ít người hiểu, ít người dám "mạo hiểm" đồng hành khi chưa nhìn thấy kết quả.
Thế nhưng chị Thủy cho hay, chị luôn nuôi dưỡng niềm tin mãnh liệt rằng một ngày nào đó, sau những nỗ lực, mồ hôi công sức, chị sẽ gặt hái được "quả ngọt".
"Những ngày tháng đầu, cây trồng không mọc được vì đất đai khô cằn, mình lại không bón phân bón hóa học, dùng thuốc kích thích.
Mình đã mấy tháng trời đi xin vỏ mía ngoài chợ về phủ khắp vườn để giun dế về với đất, vi sinh vật sinh sôi, làm đất đai màu mỡ hơn.
Cứ thế, vừa học hỏi kinh nghiệm từ mọi người, vừa nghiên cứu tài liệu, tìm tòi qua mạng. Sau 4 năm, giờ đất đai trong nông trại của mình đã tơi xốp, màu mỡ.
Vườn cây dần dần sinh sôi, đơm hoa, kết trái. Mình tìm hiểu quy trình, kiến thức để trồng thảo mộc làm xà phòng và trở thành một thợ làm xà phòng từ thảo mộc, dược liệu chuyên nghiệp."
Năm 2018 - 2019, những mẻ xà phòng từ dầu thừa kết hợp các loại thảo mộc đầu tiên ra đời, có chức năng hỗ trợ cho người da mẫn cảm.
Ngoài xà phòng, nông trại của người phụ nữ Đồng Nai còn tự trồng để cung cấp nguyên liệu sản xuất nên nhiều mỹ phẩm lành tính, "xanh", có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên như: Tinh dầu chống say xe, muối ngâm chân thảo mộc, xông tắm thảo mộc, serum dưỡng da thảo mộc, xà phòng, dầu gội từ vỏ bưởi, mật ong du mục.
Không chỉ bán hàng qua tại các cửa hàng, siêu thị, quảng bá tại các hội chợ trong nước, chị Thủy còn sử dụng tiếp thị số và thương mại điện tử để nâng giá trị sản phẩm của mình.
Chị đầu tư cho các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, cho thiết kế bao bì, phát triển các nội dung số; Quảng bá, bán hàng qua sàn thương mại điện tử, website, các trang mạng xã hội.
Chị Thủy mở lớp dạy làm xà phòng thảo mộc, thường xuyên tham gia các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp
Khi xà phòng và các sản phẩm, mỹ phẩm thảo dược đã mang lại nguồn thu tương đối ổn định, chị Thủy mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngay tại nông trại của mình.
Số lượng nhân viên ngày càng đông, chị cho trồng thêm các loại rau xanh, cây ăn quả, thiết kế các hình thức du lịch trải nghiệm tại nông trại để du khách lưu trú ngay tại nông trại, "trốn" phố thị ồn ào, tìm nơi yên bình cho tâm hồn.
Du khách đến với nông trại của chị Thủy sẽ được tham gia nhiều hoạt động, trải nghiệm thú vị.
"Hiện tại, mình có nguồn thu ổn định từ việc bán xà phòng, dược mỹ phẩm và thông qua việc tổ chức các buổi dạy làm xà phòng thảo mộc để khởi nghiệp.
Mình có chút thành quả nhỏ trong năm 2022 khi giành được giải Nhì - Cuộc thi "Dự án Khởi nghiệp Thanh niên Nông thôn Việt Nam".
Ngoài ra, hình thức du lịch trải nghiệm tại nông trại trồng thảo mộc của mình cũng được du khách đón nhận."
Du khách đến với nông trại của chị Thủy sẽ được hòa mình trong môi trường tự nhiên vô cùng trong lành, xanh mát, được học cách làm xà phòng thảo mộc, hóa thân thành những người nông dân thứ thiệt
Đến tham quan nông trại, du khách sẽ được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch rau theo phương pháp hữu cơ, xanh, sạch.
Ngoài cơ hội hóa thân thành những người nông dân thực thụ, tự tay chăm sóc, thu hoạch và nấu ăn tại nông trại, du khách còn được các chia sẻ kiến thức về cây trồng và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm hữu cơ, trải nghiệm một cách sống xanh, hiểu thêm về nguồn gốc của sự sống.
Làm nông trại du lịch kết hợp mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí
Nhiều năm trở lại đây, xuất phát từ tình yêu thương, ước muốn được sẻ chia, chị Thủy quyết định mở và duy trì các lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trong vùng.
Chị Thủy trực tiếp giảng dạy cho các em. Ngoài ra, các du khách nước ngoài đến với nông trại của chị để trải nghiệm, khám phá cũng tình nguyện đứng lớp, cùng chị Thủy và các tình nguyện viên khác dạy tiếng Anh cho các em học sinh.
Lớp dạy tiếng Anh miễn phí của chị Thủy luôn ngập tràn niềm vui, tiếng cười
"Mình có nhiều khách du lịch đến từ Mỹ, Châu Âu, họ lưu trú tại nông trại 10 ngày, nửa tháng. Ban ngày, du khách cùng các bạn tình nguyện viên làm vườn, họ không nề hà bất cứ công việc nào, cuốc đất nhổ cỏ trồng rau, rồi còn cùng chúng mình làm xà phòng.
Ban đêm, các bạn ấy lại cùng tụi mình dạy tiếng Anh cho mấy đứa nhỏ. Mình rất trân trọng và nể phục các bạn ấy. Dù đang đi du lịch, trải nghiệm nhưng không quản ngại nắng nôi, nặng nhọc, làm hết mình công việc vườn tược.
Và còn xúc động hơn khi nhìn thấy cách các bạn dành thời gian, tình cảm, tận tâm chuẩn bị bài vở để dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ vốn ở cách xa họ một vòng Trái Đất xa xôi.
Các học trò nhỏ của mình thích đến lớp lắm, nhất là khi được các cô chú người nước ngoài dạy học, các em đều đặn đến lớp mỗi tối, niềm vui luôn lấp lánh trong ánh mắt".
"Bỏ phố về quê khởi nghiệp" chưa bao giờ là hành trình dễ dàng, nhàn hạ. Đó là chuỗi những thử thách, nhọc nhằn không dành cho những người thiếu kiên trì và một chút gai góc, lòng kiên định.
Và sau biết bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả những khoảng thời gian stress chỉ muốn từ bỏ, hiện tại, chị Thủy đã thu về "quả ngọt".
Ngoài sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, tốt cho sức khỏe, môi trường được đón nhận, tiêu thụ đều đặn, người phụ nữ quê Đồng Nai còn nhận ra nhiều thay đổi tích cực trong chính bản thân mình.
"Cuộc sống gắn với cây cối, thiên nhiên, với nông nghiệp xanh – sạch giúp mình an nhiên, bình tâm hơn trước.
Mình có một cơ thể khỏe mạnh khi sống và làm việc trong môi trường trong lành, rộng mở. Một suy nghĩ tích cực, lan tỏa được công việc của mình với nhiều người yêu thiên nhiên, nhất là phụ nữ.
Quan trọng, mình biết bản thân đang theo đuổi điều gì, tại sao mình làm nó, thấy rõ ràng ước mơ của mình.
Ba bé con mình vốn gắn bó với nông trại, với thiên nhiên từ nhỏ nên rất hiểu công việc của mẹ, hai bé biết làm xà phòng, nhổ cỏ trồng rau và rất thích phụ mẹ những việc lặt vặt".
Giờ đây, hành trình khởi nghiệp với các sản phẩm chế biến từ thảo mộc của chị Thủy đã không còn đơn độc bởi có đội ngũ nhân viên, đối tác, khách hàng cùng đồng hành để lan tỏa lối sống xanh, sạch, bền vững.
Theo Ngân Hà