A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công

Lỗ hổng lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khởi nghiệp là thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị. Các chuyên gia khởi nghiệp cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang quản trị nhân sự dựa trên kinh nghiệm và chủ quan cá nhân. Do đó, để thành công cần lấp các lỗ hổng trên.

Vài năm trở lại đây, làn sóng khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam được ghi nhận là sôi động nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2022 tiếp tục đạt kỷ lục mới, với 208.368 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giai đoạn 2017-2021 (167.029 doanh nghiệp).

Để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, năm 2022 cũng có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với năm 2021. Trung bình một tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó đa phần là các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ và có thời gian hoạt động ngắn.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Phụ nữ đổi mới sáng tạo 2023”, chuyên gia Tài chính Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Quý cho rằng, thất bại của nhóm doanh nghiệp này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng chủ yếu đều từ sự thiếu thực tiễn về kỹ năng quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính. Nhiều doanh nghiệp thất bại do tâm lý lạc quan thái quá nên không dự tính được các chi phí có thể phát sinh trong thực tế, không dự phòng rủi ro.

Có những chủ doanh nghiệp ở quy mô nhỏ còn chưa hình dung và chưa nhận thức đúng đắn việc phải thiết lập hệ thống đo lường hay các chỉ số để đánh giá “sức khỏe” tài chính của mình thông qua việc phân bổ vốn cố định, vốn lưu động cho việc mua nguyên vật liệu, vận hành doanh nghiệp. Để thành công, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải xây dựng hệ thống kế toán - tài chính nguyên tắc, bài bản để cảnh báo doanh nghiệp kịp thời.

“Bởi đây chính là vị “bác sĩ” có thể chẩn đoán được tình hình sức khỏe của doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp định hướng các chiến lược tài chính trung và dài hạn, đảm bảo hoạt động vận hành được trơn tru và hiệu quả, từ đó là bước đệm cho sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp trong tương lai”, chuyên gia Nguyễn Hữu Quý nhấn mạnh.

Từng thất bại trong việc đem mô hình kinh doanh trà chiều từ London về Việt Nam trong dự án khởi nghiệp đầu tiên, bà Nguyễn Phương Ly, người sáng lập Artemis Pastry Shop cũng thừa nhận sự nóng vội và thiếu kiến thức quản trị doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp của bà gặp thất bại. Việc đầu tư vào quá nhiều sản phẩm chủ lực cùng lúc không chỉ khiến doanh nghiệp hao tổn nguồn lực mà còn khó định hình thương hiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Phương Ly, lỗ hổng lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khởi nghiệp là thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị. Vì thế, để tránh thất bại, bắt buộc các doanh nghiệp phải lấp lỗ hổng này.

Còn theo bà Nguyễn Vân Anh, sáng lập và điều hành thương hiệu Bella Mama & The Motherhood, việc thiếu kiến thức về ngành hàng, thiếu quy trình sản xuất đã khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị đẩy lên cao do tỷ lệ hàng lỗi nhiều, định mức tiêu hao nguyên liệu vượt tiêu chuẩn ngành. Dù doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng liên tục ở mức cao nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp lại không đáng kể.

Các chuyên gia khởi nghiệp cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang quản trị nhân sự dựa trên kinh nghiệm và chủ quan cá nhân. Trong những năm đầu khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp chú trọng nhiều đến công nghệ và thị trường. Trong giai đoạn này, chủ doanh nghiệp phải lo toan các công việc từ chiến lược đến sự vụ, kể cả hành chính, nhân sự, tài chính, kế toán. Điều này giúp chủ doanh nghiệp xử lý vấn đề nhanh, linh hoạt, chi phí thấp, phù hợp với cơ cấu tổ chức và đội ngũ nhân sự chưa được hoàn thiện.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy điểm yếu nhất của chủ doanh nghiệp là năng lực quản trị nhân sự. Trong 5 năm đầu khởi sự, năng lực quản trị nhân sự của chủ doanh nghiệp được ví như chiếc áo quá chật so với mục tiêu và tham vọng phát triển của bản thân. Rất nhiều vấn đề và thiệt hại phát sinh xuất phát từ năng lực quản trị nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu của chủ doanh nghiệp. Nguy hại hơn, ít chủ doanh nghiệp nhận ra những hạn chế này và có hành động để tự học hỏi và thuê nhân sự, huy động sự tham gia của chuyên gia.

Cùng với đó, việc phân vai chưa rõ và quản trị yếu sẽ dẫn đến xung đột giữa các đồng sáng lập doanh nghiệp. Nhiều người lựa chọn cùng nhau khởi nghiệp, giúp họ cùng triển khai ý tưởng, phát huy thế mạnh của nhau, huy động nguồn lực của nhau và chia sẻ rủi ro. Rất nhiều doanh nghiệp tư nhân thành công của Việt Nam có xuất phát điểm từ khởi nghiệp theo nhóm.

Tuy nhiên, rủi ro lại đến từ các mâu thuẫn giữa các nhà đồng sáng lập doanh nghiệp bởi sự khác biệt về quan điểm, tranh chấp về lợi ích và không thống nhất được sự thay đổi phương thức ra quyết định phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Khi khởi đầu khó khăn thì các nhà đồng sáng lập doanh nghiệp khá đoàn kết, cùng nhau nếm mật nằm gai. Nhưng khi doanh nghiệp khởi sắc, có kết quả tài chính tốt thì cũng là lúc các mâu thuẫn xuất hiện.

Rất nhiều nhà đồng sáng lập doanh nghiệp phải chia tay nhau trong những năm đầu tiên với lý do mâu thuẫn cá nhân trong quản lý điều hành. Bài toán này đến từ nguyên nhân cơ bản là quản trị hệ thống chưa tốt, chưa phân vai và thỏa thuận rõ ràng giữa những nhà khởi nghiệp để đảm bảo chủ động quản trị sự thay đổi.

Bảo Thoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...