A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường chuyên, lớp chọn và mục tiêu phát triển toàn diện

Nhiều năm qua, mô hình trường chuyên, lớp chọn được coi là “vườn ươm” lý tưởng cho những học sinh giỏi, có năng lực nổi trội, kỳ vọng sẽ trở thành nhân tài trong tương lai. Tuy nhiên, cùng với sự chuyển mình của nền giáo dục toàn diện, mô hình này liệu có còn ưu việt hay đã đến lúc cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn?

Còn nhiều bất cập

Nhìn những bảng điểm hầu như toàn điểm 10, hiếm hoi lắm mới thấy xuất hiện điểm 9 của nhiều em học sinh trường chuyên, lớp chọn, không ít người giật mình đặt câu hỏi: Liệu các em giỏi thật sự, giỏi toàn diện các môn học hay chỉ là “sản phẩm” của một dây chuyền luyện thi hiệu quả, phục vụ kỳ vọng của phụ huynh và nhà trường? Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì nuôi dưỡng tài năng một cách bền vững, việc lạm dụng mô hình trường chuyên, lớp chọn đang vô tình tạo ra “gà nòi”, không ít học sinh học để thi, học vì điểm số thay vì học để phát triển bản thân toàn diện.

Giờ học của các em học sinh tại phường Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: THU HÀ 

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc phát triển nhiều trường chuyên, lớp chọn mà thiếu cơ chế quản lý hiệu quả là một xu hướng đi ngược với tinh thần của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. “Đã tuyển sinh vào mô hình mũi nhọn thì buộc phải ra đề thi nâng cao, dẫn đến học sinh phải học thêm, ôn luyện tăng cường ngoài chương trình chính khóa. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan”, ông Đặng Tự Ân nhận định.

Thực tế cho thấy, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn chú trọng công tác quản lý, thực hiện phương châm giáo dục toàn diện, phát triển năng lực, phẩm chất người học và chống bệnh thành tích, không cho phép thành lập trường chuyên ở cấp THCS, tuy nhiên, tình trạng “lách luật” tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra. Ở bậc THCS, xuất hiện không ít trường "trọng điểm"; nhiều trường THCS tổ chức các lớp “chất lượng cao”, lớp “mũi nhọn”..., thực chất là trường chuyên, lớp chọn trá hình. Ở bậc THPT, không ít trường vẫn duy trì các lớp chọn, lớp chuyên trong khi không thuộc hệ thống trường chuyên chính thức. Dưới danh nghĩa “nâng cao chất lượng giáo dục”, các trường, lớp này thường được đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn, giáo viên giỏi hơn, dễ tạo ra tâm lý phân biệt, thậm chí khiến học sinh ở trường thường, lớp thường cảm thấy mình “bị bỏ lại phía sau”. Điều này đi ngược với mục tiêu bảo đảm công bằng trong giáo dục và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. 

Cân bằng học thuật và phát triển cá nhân

Dù tồn tại nhiều bất cập nhưng không thể phủ nhận vai trò của hệ thống các trường chuyên trong việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng. PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, mô hình này vẫn cần thiết, nhưng không nên là “điểm đến” duy nhất cho học sinh xuất sắc. "Trường chuyên không nên chỉ tập trung vào truyền đạt kiến thức hàn lâm mà phải là nơi nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng thích ứng. Hệ thống trường chuyên cũng cần chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy khuôn mẫu sang hình thức học tập khám phá, khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu và phát triển năng lực cá nhân", PGS, TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Cũng theo PGS, TS Trần Thành Nam, chương trình học quá nặng, áp lực thi cử cao có thể khiến học sinh mất đi niềm vui học tập và sự sáng tạo tự nhiên. Vì vậy, trường chuyên chỉ thực sự hiệu quả khi trở thành môi trường toàn diện, nơi học sinh được phát triển cả về thể chất, tinh thần, kỹ năng sống và năng lực xã hội.

Rõ ràng, trường chuyên vẫn giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục ở nước ta. Tuy nhiên, mô hình này cần được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu phát triển toàn diện. Trường chuyên không nên là nơi chỉ dành cho luyện thi và tạo áp lực điểm số. Thay vào đó, nên xây dựng chương trình cân bằng giữa kiến thức chuyên sâu và hoạt động phát triển kỹ năng mềm như làm việc nhóm, tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, các hoạt động văn hóa, thể dục-thể thao... Việc tuyển sinh cũng cần thay đổi, thay vì chỉ dựa vào điểm số và các bài thi đánh đố, nên kết hợp xem xét, đánh giá năng lực thực tế, phỏng vấn, hồ sơ hoạt động cá nhân...

HỒNG NGUYÊN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...