A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thi tốt nghiệp 2+2 giải quyết tình trạng mất cân bằng việc chọn khối

Tại Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đề xuất phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 4 môn thi.

Thi tốt nghiệp 2+2 giải quyết tình trạng mất cân bằng việc chọn khối
Thí sinh Hà Nội thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Ngay lập tức, phương án này nhận được sự đồng thuận cao từ dư luận xã hội.

Trước khi đưa ra đề xuất này, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 3 phương án: 4+2, 3+2 và 2+2.

Phương án 4+2 tức là học sinh phải thi 6 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn. Phương án 3+2 là học sinh thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn. Phương án 2+2 là học sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn), 2 môn tự chọn.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các cá nhân, tổ chức, chuyên gia, các sở giáo dục và đào tạo, đồng thời căn cứ theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT đề xuất thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo phương án 2+2.

Theo đó, mỗi thí sinh thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn; 2 môn còn lại thí sinh tự chọn trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Việc chọn phương án thi 2+2 sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng của việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong tổng số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm, tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của 3 năm gần đây như sau: Năm 2021 chiếm 64,72%; năm 2022 chiếm 66,96%; năm 2023 chiếm 67,64%.

Lộ trình tổ chức kỳ thi theo đề xuất của Bộ GD&ĐT

Giai đoạn 2025-2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

Giai đoạn sau năm 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính); phấn đấu để đến khi tất cả địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết