A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh tra Sở Tài chính Nghệ An: Thực hiện 80 cuộc thanh tra và kiến nghị xử lý 195,5 tỷ đồng

Trong những năm qua, Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đã thực hiện 80 cuộc thanh tra, kiến nghị xử lý 195,5 tỷ đồng. Để làm tốt thanh tra ở lĩnh vực này cần phải có hiểu biết sâu về thực tiễn hoạt động trong ngành, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí đối với lĩnh vực này.

 

Thanh tra Sở Tài chính Nghệ An thực hiện 80 cuộc thanh tra, kiến nghị xử lý 195,5 tỷ đồng. Ảnh: P.V

Thực hiện 80 cuộc thanh tra theo kế hoạch

Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Nghệ An có nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Sở Tài chính gồm các lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước và vốn đầu tư phát triển; quản lý tài chính doanh nghiệp, tài chính đối với đất đai, giá và tài sản công tại địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở Tài chính trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo lãnh đạo Thanh tra Sở Tài chính Nghệ An, giai đoạn 2020 - 2024, căn cứ kế hoạch thanh tra được phê duyệt hàng năm, đơn vị đã triển khai 80 cuộc thanh tra, hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra, kiến nghị xử lý số tiền 195,5 tỷ đồng. Trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước số tiền 93,2 tỷ đồng, giảm thanh toán 17,8 tỷ đồng, kiến nghị khác 84,5 tỷ đồng; kiến nghị khác chủ yếu yêu cầu đơn vị thực hiện ghi tăng tài sản cố định để quản lý theo chế độ quản lý tài sản cố định, yêu cầu đơn vị thực hiện trích lập nguồn cải cách tiền lương và trích quỹ phát triển sự nghiệp đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu.

Quá trình thanh tra tại các đơn vị, các đoàn thanh tra bên cạnh việc phát hiện và xử lý các sai phạm còn hướng dẫn và chấn chỉnh công tác quản lý tài chính và nghiệp vụ hạch toán, mở sổ kế toán tại các đơn vị. Qua đó chấn công tác quản lý tài chính, phòng ngừa các hành vi tham nhũng, lãng phí ở các đơn vị và doanh nghiệp.

Từ kết quả thực tiễn hoạt động thanh tra chuyên ngành tài chính, theo lãnh đạo Thanh tra Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, để làm tốt công tác thanh tra ở lĩnh vực này, cần tiếp tục phát huy, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu. Do đó, phải nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về quản lý tài chính trên các lĩnh vực ngân sách, thuế, đầu tư công, tài sản công và kỹ năng phát hiện, xử lý tình huống cho đội ngũ thanh tra viên. Gắn kết quả thanh tra với công tác đánh giá cán bộ hàng năm.

Tập trung thanh tra vào lĩnh vực có nguy cơ vi phạm cao

Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, khảo sát, lựa chọn các nội dung thanh tra đúng trọng tâm, trọng điểm để xác định và tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực, đơn vị có nguy cơ vi phạm cao, rủi ro lớn, ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước và tài sản công thay vì thanh tra dàn trải, hình thức.

Lực lượng cán bộ tham gia các cuộc thanh tra phù hợp với chuyên môn, năng lực sở trường để tăng hiệu quả chất lượng các cuộc thanh tra. Thời kỳ thanh tra đòi hỏi cán bộ thanh tra phải nắm rõ các chính sách, chế độ tài chính áp dụng riêng cho từng thời kỳ đó như chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng, phí, lệ phí, tiết kiệm chi hành chính bổ sung nguồn cải cách tiền lương...

Bố trí kế hoạch thanh tra theo chuyện đề, theo lĩnh vực, theo từng chính sách. Qua đó giúp cán bộ thanh tra tập trung nghiên cứu sâu nội dung, nắm chắc quy định chuyên ngành từ đó phát hiện chính xác sai phạm và phát hiện bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị có hiệu quả.

Bên cạnh đó, phối hợp tốt với các cơ quan Kho bạc Nhà nước, thuế, hải quan, ngân hàng, công an và các sở ngành trong việc khai thác dữ liệu, số liệu và xử lý việc chấp hành kiến nghị thanh tra. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ, công khai minh bạch trong hoạt động công khai.

Đối với các đơn vị được thanh tra về cơ bản đều dùng phần mềm kế toán để hạch toán kế toán và ghi sổ kế toán cũng như báo cáo tài chính của đơn vị và hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước cơ bản được công khai trên các trang điện tử của Chính phủ và các bộ, ngành. Do đó đòi hỏi cán bộ thanh tra cũng cần hiểu được các phần mềm kế toán các đơn vị đã sử dụng thành thạo trong việc tra cứu văn bản để phục vụ cho công tác thanh tra.

Ngoài ra, để phục vụ cho công tác thanh tra quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cán bộ thanh tra ở lĩnh vực này cần trang bị cho mình phần mềm lập dự toán để thông qua đó làm công cụ kiểm tra về định mức, đơn giá xây dựng cơ bản được nhanh chóng và chính xác…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...