Quyết liệt ngăn chặn ma túy xâm nhập trường học
Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có khoảng 213.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có khoảng trên 81.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, chiếm khoảng 38%. Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 7/11, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết, Bộ đã và đang phối hợp cùng các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng chống ma túy, các chất ma túy mới để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên biết, chủ động phát hiện, phòng tránh.
Theo cơ quan chức năng, hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Năm học 2022-2023 vừa qua, cơ quan Công an đã cảnh báo không ít vụ việc học sinh sử dụng ma túy. Trong đó, Công an quận Nam Từ Liêm, Công an quận Tây Hồ phát hiện, bắt giữ các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy dưới dạng thực phẩm. Tương tự, Công an huyện Thạch Thất đã bắt giữ một số đối tượng phân phối, bán thuốc lá điện tử chứa chất ma túy cho giới trẻ. Còn Công an quận Hà Đông đã tiếp nhận, giải quyết, khởi tố một số vụ việc liên quan đến học sinh sử dụng thuốc lá điện tử, trong thuốc lá điện tử có các chất gây nghiện, chất ma túy.
Báo cáo viên cảnh báo về những nguy cơ đe dọa an toàn trường học với sự xâm nhập của thuốc lá điện tử tại Trường Trung học cơ sở Đống Đa (Ảnh: CAHN). |
Cá biệt, từ năm 2022, Trung tâm cai nghiện ma tuý số 2 Hà Nội (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) lần đầu tiên tiếp nhận các em dưới 18 tuổi cai nghiện bắt buộc. Em N.T.V (15 tuổi) chia sẻ, em bắt đầu sử dụng ma tuý từ 3 năm trước. Lần đầu do bạn bè rủ rê thử 1 lần, sau đó em sử dụng ngay trong trường học. Nhóm bạn của em có 10 người thường xuyên mua ma tuý về cùng sử dụng. Khi bị gia đình phát hiện và ngăn không cho sử dụng ma túy bằng việc nhốt lại, em trốn và từng bỏ nhà đi lang thang. Hai trường hợp khác là chị em ruột cùng sử dụng ma tuý, chị 15 tuổi, em 13 tuổi mới học lớp 7. Bắt đầu từ buổi tiệc sinh nhật với bạn, có ma tuý dưới dạng kẹo, 2 em bắt đầu sử dụng. Không chỉ dùng 1 loại mà sau đó là nhiều loại, mức độ càng ngày càng tăng và liều lượng nhiều hơn…
Công an thành phố Hà Nội cho biết, trên thị trường xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức, chất gây nghiện, chất hướng thần mới. Đáng báo động, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, nhằm thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển, lại có thể đáp ứng nhu cầu của “khách hàng” là mang về cất giấu trong nhà, mà người thân khó phát hiện. Qua điều tra, lực lượng Công an tiếp tục phát hiện một số loại ma túy mới “núp bóng” đồ uống, thực phẩm chức năng, mà người sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên. Đó là “nước vui”, “nước sướng”, “nước xoài” chứa chất lỏng màu vàng; ma túy tổng hợp dạng viên nén, ma túy tổng hợp dạng “đá”…
Thượng tá Phạm Quỳnh - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội, nhìn nhận, tất cả những cái tên nêu trên đều là ma túy tổng hợp. Thế nhưng, không ít người trẻ ban đầu đều cho rằng, sử dụng các loại ma túy mới sẽ không gây nghiện, đây là suy nghĩ rất sai lầm. Trên thực tế, ma túy thế hệ mới có khả năng gây nghiện rất nhanh, đồng thời tàn phá hệ thần kinh trung ương, khiến người dùng không điều khiển được hành vi, thường xuyên hoang tưởng. Rất nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra, mà người gây án trong trạng thái ảo giác, hoang tưởng do vừa sử dụng các loại ma túy này.
Nhằm phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp “len lỏi” vào học đường, thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng tránh ma túy, bạo lực học đường cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. Đơn cử như mới đây, hơn 1.300 học sinh lớp 8, 9 trường Trung học cơ sở Đống Đa, vừa được trang bị, cập nhật kiến thức về phòng chống ma túy, đặc biệt là những nguy cơ đe dọa an toàn trường học với sự xâm nhập của thuốc lá thế hệ mới. Báo cáo viên đưa ra những thông tin giúp học sinh hiểu rõ hơn về các loại hình ma túy như thuốc phiện, ma túy cần sa, ma túy đá, ma túy thuốc lắc, ma túy ketamine, các chất có tác dụng tương tự ma túy như bóng cười, shisha, thuốc lá điện tử. Ma túy đã và đang tìm cách xâm nhập môi trường học đường với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra những hậu quả khó lường. Học sinh là những đối tượng mới lớn, trong độ tuổi hình thành nhân cách nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê, thích trải nghiệm những cái mới và muốn thể hiện bản thân nên nhanh chóng trở thành mục tiêu tội phạm ma túy hướng tới.
Buổi chuyên đề đã đưa ra thông điệp dành cho học sinh Trường Trung học cơ sở Đống Đa là: “Đừng thử ma túy dù chỉ một lần, đừng theo rủ rê đi tìm cảm giác lạ. Khi dính vào ma túy dù chỉ một lần là tự hủy hoại đời mình. Hãy đồng lòng cùng tránh xa ma túy, quyết tâm nói không với ma túy”. Bà Đinh Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, ma túy xâm nhập học đường là một chủ đề nóng mà các nhà trường đều quan tâm. Báo cáo viên và các khách mời đã triển khai tiết chuyên đề đúng và trúng với nhu cầu và tình hình thời sự mà nhà trường cùng các phụ huynh, các thầy cô giáo và các em học sinh quan tâm. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức thêm các chuyên đề xung quanh các vấn đề liên quan đến việc hình thành kỹ năng tự bảo vệ an toàn bản thân và gia đình, bạn bè phù hợp với lứa tuổi học sinh…
Theo Công an thành phố Hà Nội, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an thì các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòngchống ma túy, tác hại, hệ lụy của ma túy gắn với công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Chủ động phối hợp với gia đình, chính quyền cơ sở, vận động người có uy tín trong dòng họ, tôn giáo, già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số quản lý, giáo dục con em tránh nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng, tham gia các đường dây ma túy; giám sát, giúp đỡ người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.
Minh Phương