Phát huy trí tuệ, tiềm năng sáng tạo của nhà giáo
Ngày 26/5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội tổ chức khai mạc Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm thành phố Hà Nội năm 2022. Đây là hoạt động thiết thực, là cơ hội để đội ngũ cán bộ, nhà giáo của Thành phố thể hiện niềm say mê nghiên cứu khoa học, phát huy tiềm năng trí tuệ để sáng chế ra các thiết bị đào tạo nhằm ứng dụng vào quá trình giảng dạy.
Theo Ban tổ chức, Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm thành phố Hà Nội năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/5 với các nội dung: Trưng bày, trình diễn và thi các thiết bị đào tạo tự làm cùng các hoạt động liên quan đến công tác giáo dục nghề nghiệp.
Tham dự Hội thi có 19 đơn vị tiêu biểu (12 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp) với 48 thiết bị đào tạo làm, trong đó có 40 mô hình và 8 phần mềm với các nhóm nghề khác nhau được chia thành 6 Tiểu ban: Tiểu ban Cơ khí động lực: 8 thiết bị; Tiểu ban Công nghệ Thông tin: 9 thiết bị; Tiểu ban Điện: 8 thiết bị; Tiểu ban Điện tử 1: 7 thiết bị; Tiểu ban Điện tử 2: 7 thiết bị; Tiểu ban Tổng hợp: 9 thiết bị. Hội thi năm nay mang đến thông điệp "Sáng tạo công nghệ - Bứt phá thành công".
Bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi phát biểu khai mạc. Ảnh: Thủy Trúc |
Bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Trưởng Ban tổ chức Hội thi cho biết, sự chuyển biến tích cực phong phú về nhóm nghề đào tạo và đa dạng về thể loại thiết bị, từ đồ dùng, mô hình dạy học đơn giản đến các thiết bị ứng dụng kỹ thuật vi xử lý, lập trình phức tạp của các thiết bị mang đến Hội thi năm nay thể hiện tài năng sáng tạo và sự quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sự đa dạng của thiết bị tự làm tại Hội thi một lần nữa chứng tỏ thiết bị đào tạo tự làm đã thực sự trở thành cầu nối giữa thực tiễn đào tạo và nhu cầu thị trường lao động sản xuất, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong các nhà trường, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo góp phần thực hiện thành công Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/2020 về "Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới".
Bà Nguyễn Thanh Nhàn cho biết thêm, với sự lựa chọn và chuẩn bị đầu tư kỹ càng cả về trí lực và vật lực cho Hội thi, hy vọng sẽ được chứng kiến sự nỗ lực hết mình trong công tác nghiên cứu và chế tạo của 50 tác giả, nhóm tác giả đến từ 19 đơn vị tiêu biểu đại diện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố; thể hiện ở những phần dự thi đầy tự tin sáng tạo và đổi mới trong thời đại công nghệ số hóa 4.0 phát triển một cách mạnh mẽ.
Ban Tổ chức trao Cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia Hội thi. Ảnh: Thủy Trúc |
Hội thi là cơ hội để Ban Tổ chức tìm ra và góp phần nhân rộng những kinh nghiệm sáng kiến, mô hình thiết kế phù hợp, hiệu quả áp dụng trong hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố nói riêng cũng như trên cả nước nói chung. Đồng thời, đây cũng là hoạt động quảng bá tăng cường công tác truyền thông thu hút sự quan tâm của người dân và xã hội đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo hiệu ứng thu hút học sinh vào học nghề.
Tới dự và phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, Hội thi thực sự là hoạt động thiết thực có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại địa phương, là cơ hội để đội ngũ cán bộ, nhà giáo của Thành phố thể hiện niềm say mê nghiên cứu khoa học, phát huy tiềm năng trí tuệ để sáng chế ra các thiết bị đào tạo nhằm ứng dụng vào quá trình giảng dạy.
Đồng thời, đây cũng là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn giao lưu học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm sáng chế, cải tiến thiết bị đào tạo, là sân chơi bổ ích để các nhà giáo, học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố có dịp trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, nâng cao tay nghề, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho thành phố Hà Nội.