Những lưu ý khi sử dụng Atlat Địa lý dành cho thí sinh
Thí sinh được phép sử dụng Atlat trong giờ làm bài môn Địa lý. Tuy nhiên, ngay khi hết giờ làm bài, thí sinh phải nộp lại ngay cho cán bộ coi thi.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6 với khoảng 1 triệu thí sinh dự thi.
Thí sinh Hà Nội thi tốt nghiệp THPT năm 2023 |
Đây là kỳ thi đầu tiên áp dụng Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành. Đây còn là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cuối cùng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2006.
Một trong những điểm mới quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là quy định danh mục các vật dụng được mang vào phòng thi và danh mục tài liệu, vật dụng cấm không được mang vào phòng thi.
Atlat địa lý là một trong số các vật dụng, tài liệu được mang vào phòng thi để phục vụ quá trình làm bài thi. Tuy nhiên, thí sinh phải tuân thủ quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành về việc sử dụng Atlat địa lý trong quá trình dự thi.
Cụ thể, khi mang Atlat vào phòng thi để sử dụng trong giờ thi môn thi thành phần địa lý của bài thi tổ hợp khoa học xã hội, thí sinh phải ghi rõ họ tên và số báo danh của mình vào trang bìa của Atlat và nộp Atlat cho cán bộ coi thi để kiểm soát. Cán bộ coi thi giao lại Atlat cho thí sinh khi bắt đầu giờ làm bài môn thi địa lý.
Thí sinh được phép sử dụng Atlat trong giờ làm bài môn Địa lý, tuy nhiên, ngay khi hết giờ làm bài môn này, thí sinh phải nộp lại ngay cho cán bộ coi thi. Cán bộ coi thi sẽ chỉ trả lại Atlat địa lý cho thí sinh sau khi các em hoàn thành môn thi cuối cùng của mình trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội.
Ngoài Atlat Địa lý, thí sinh được phép mang vào phòng thi bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.