Mất ngủ có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe
Bác Nguyễn Thế Mạnh (phường Vĩnh Tuy, TP Hà Nội) hỏi: Mất ngủ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Về vấn đề này, bác sĩ Đoàn Thị Huệ, phụ trách đơn nguyên y học giấc ngủ, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ: Ngủ là một trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể, có tính chu kỳ trong ngày đêm, giúp cơ thể nghỉ ngơi, tạm ngừng hoạt động của tri giác và ý thức. Đồng thời, giấc ngủ giúp giãn cơ bắp và làm chậm các hoạt động hô hấp, tuần hoàn. Tuy nhiên, khi giấc ngủ bị gián đoạn hoặc chất lượng giấc ngủ không bảo đảm, có thể là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ.
Theo một nghiên cứu, 70-80% người đến viện khám đều than phiền về giấc ngủ. Tình trạng bệnh nhân đến viện khám vì rối loạn giấc ngủ ngày càng gia tăng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 làm gia tăng số người lo âu, trầm cảm, cộng với áp lực kinh tế và lo toan cuộc sống. Tuy nhiên, chỉ 15-18% số người mất ngủ, rối loạn giấc ngủ đi khám và được điều trị. Phần lớn vẫn bỏ qua việc mất ngủ của mình và chịu đựng trong thời gian dài. Điều này có thể dẫn đến sự sa sút về sức khỏe, từ mệt mỏi về thể xác đến trầm cảm, lo âu về tinh thần. Chất lượng cuộc sống cũng như năng suất lao động đều bị ảnh hưởng vì bệnh mất ngủ, thậm chí gây ra tai nạn giao thông, tai nạn lao động đáng tiếc.
Tình trạng này gây ra cảm giác mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, cũng như ảnh hưởng đến khả năng đưa ra quyết định và trạng thái cảm xúc, nhận thức. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thiếu ngủ kéo dài làm giảm trí nhớ, chậm phản xạ, tăng nguy cơ mắc Alzheimer, Parkinson, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, nguy cơ đột quỵ cao, miễn dịch suy giảm, chuyển hóa rối loạn, trầm cảm... Vì vậy, việc xác định bệnh để điều trị là vô cùng quan trọng.
Biểu hiện lâm sàng là khi vào giấc ngủ khó khăn, phải mất hàng tiếng đồng hồ, người bệnh không ngủ một mạch được mà phải thức dậy rất nhiều lần trong đêm; khi bắt đầu lại giấc ngủ cũng rất khó khăn, thức dậy sớm hơn so với bình thường. Ngoài việc phát hiện, điều trị sớm, theo các bác sĩ, để phòng tránh tình trạng mất ngủ, mỗi người nên tạo cho mình một thói quen sinh hoạt lành mạnh, giải tỏa những căng thẳng, stress. Cố gắng đi ngủ và thức dậy vào một giờ cố định, tập thể dục hằng ngày khoảng 30 phút đến 1 giờ tùy theo cơ địa, sức khỏe của mỗi người. Không sử dụng những chất kích thích mạnh, đặc biệt là không nên ăn uống quá no và ăn những chất khó tiêu vào buổi tối, bởi đó cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng tới giấc ngủ. Điều trị mất ngủ hiệu quả đòi hỏi can thiệp toàn diện, trong đó liệu pháp tâm lý và thay đổi lối sống đóng vai trò chủ đạo.
Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735. |