A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lễ hội Phài Lừa - nơi hội tụ những giá trị nhân văn

Cứ vào năm nhuận, nhằm ngày 4/4 âm lịch, người dân xã Hồng Phong và các xã lân cận nơi con sông Bắc Giang chảy qua địa phận huyện Bình Gia lại tưng bừng lễ hội Phài Lừa - một lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời, với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Đa phần các lễ hội ở tỉnh Lạng Sơn nói chung, huyện Bình Gia nói riêng diễn ra vào tháng giêng, tháng hai hằng năm. Riêng Lễ hội Phài Lừa phải 3 năm mới diễn ra một lần. “Phài” nghĩa là “chèo”; “Lừa” nghĩa là “bè”. Lễ hội “Phài Lừa” nghĩa là Lễ hội “Chèo bè”.  

Lễ hội Phài Lừa (Lễ hội Chèo bè) là sự kiện lớn 3 năm mới được tổ chức một lần của người dân vùng sông nước xã Hồng Phong, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn 

Tương truyền, ngày xưa, tại bến đò thôn Văn Mịch, xã Hồng Phong có đôi vợ chồng nghèo sống bằng nghề đánh bắt cá, quanh năm vất vả mà cũng chỉ đủ ăn. Không chỉ vậy, đã gần 40 tuổi mà hai vợ chồng vẫn buồn không tả xiết vì chưa có được một mụn con. Một hôm, bà vợ nằm mơ trên đường về nhà ngoại thì bị sét đánh vào mạng sườn. Tỉnh giấc, bà kể lại cho chồng nghe. Ông chồng trấn an rằng: “Trời báo mộng cho ta gặp điều lành rồi đó”. Quả nhiên không lâu sau, bà vợ mang thai.

Một hôm, hai vợ chồng ra sông đánh cá như mọi khi, nhấc mẻ lưới đầu tiên, ông bà thấy có một quả trứng. Quả trứng đó không giống trứng gà cũng chẳng phải trứng vịt. Ở đầu quả trứng có một chấm rất đỏ. Ông chồng ném quả trứng xuống sông và di chuyển đến khúc sông khác thả lưới. Lạ thay lần thứ hai, ông vẫn nhấc được quả trứng đó. Vợ chồng ông lại ném xuống sông và tiếp tục di chuyển đến khúc sông khác xa hơn. Lần nhấc lưới này, quả trứng vẫn vướng vào lưới của ông bà. Thấy lạ, ông bà đem về cho ấp thử. Một thời gian sau, trứng nở ra con rắn có mào đỏ. Vì chưa có con nên ông bà nhận rắn làm con. Người vợ sau một thời gian mang thai đã sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Vì cậu bé sinh sau nên làm em của rắn. Cùng với thời gian, hai anh em dần khôn lớn. Một hôm, hai anh em rủ nhau ra sông tắm. Vì rắn bơi giỏi và khỏe hơn nên bơi ra xa. Người em do sức khỏe yếu hơn nên chỉ nghịch nước gần bờ. Chẳng may hôm đó, người em bị thuồng luồng bắt mất…

Vợ chồng ông bà và rắn rất buồn đau. Rắn trèo lên cây đa Pác Lọ Đảng nằm suy nghĩ. Sau ba ngày đêm, bởi yêu thương em và căm hận lũ thuồng luồng, rắn thét lên: "Lũ thuồng luồng độc ác kia, chúng bay phải đền tội"! Sau đó, tung mình xuống sông, vặn mình ba lần, rồi tìm đến hang ổ tiêu diệt lũ thuồng luồng, trả thù cho em và trừ họa cho nhân dân trong vùng. Diệt hết thuồng luồng, rắn trở về nhà từ biệt và hẹn cứ 3 năm, chàng sẽ về thăm cha mẹ một lần. Sau đó, rắn xuống sông, bơi về hướng Kỳ Cùng và sống tại đó...

Cảm phục sự dũng cảm và để ghi nhớ công ơn chàng rắn đã mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, bà con ven sông lập miếu thờ vợ chồng người đánh cá và chàng rắn bên cây đa Pác Lọ Đảng.

Từ đó, cứ đến năm nhuận, vào ngày 4/4 âm lịch (ngày Thần Rắn trườn xuống sông để tiêu diệt thuồng luồng đem lại bình yên cho người dân), bà con nhân dân vùng sông nước Văn Mịch lại tổ chức Lễ hội Phài Lừa với ý nghĩa đón chàng rắn về thăm cha mẹ, quê hương.

Mặt khác theo quan niệm của dân bản, thời điểm diễn ra lễ hội là vào cuối mùa khô, trước mùa mưa lũ, là khoảng thời gian bình yên nhất của sông nước. Do vậy, rất thích hợp để tổ chức các hoạt động khai thông sông nước, với ước muốn cầu mong mưa thuận, gió hòa, cây trồng tốt tươi, vật nuôi phát triển.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện Bình Gia cho biết, năm 2018, Lễ hội Phài Lừa xã Hồng Phong đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Theo Kế hoạch của huyện, Lễ hội Phài Lừa năm nay được tổ chức trong hai ngày 22 và 23/5 tại Khu đình Pác Lọ Đảng, thôn Văn Mịch, xã Hồng Phong. Ngay từ đầu tháng 3 âm lịch, đại diện các thôn bản, các bô lão của 3 dòng họ: Nông, Hoàng, Vy là 3 dòng họ lâu đời ở xã Hồng Phong, có công xây dựng, quản lý đình và thay phiên nhau đứng ra tổ chức Lễ hội đã họp bàn, thống nhất kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, lễ vật, trang phục, đạo cụ; lựa chọn con người, phân công nhiệm vụ, tổ chức luyện tập các trò chơi, trò diễn…

Dự kiến, Chương trình lễ hội rất phong phú. Sau nghi thức tế lễ và rước kiệu Thần Rắn là phần tranh tài của các chàng trai đại diện cho các xã, thôn, bản thi đấu một số môn thể thao truyền thống như: thi chèo bè, thi bơi sải, thi lặn bắt chân vịt, múa sư tử cùng nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như đánh chắt, đánh cù, ô ăn quan...

Trò chơi đua bè mảng tái hiện hình ảnh Thần Rắn diệt thuồng luồng cứu giúp dân làng là hoạt động độc đáo trong Lễ hội 

Trong các trò chơi sông nước của những cư dân bản địa gắn với “đầu sóng ngọn gió”, xem “sông nước là nhà” thì trò đua bè mảng với việc tái hiện hình ảnh Thần Rắn diệt thuồng luồng cứu giúp dân làng là một hoạt động độc đáo, ẩn chứa những quan niệm về đạo đức, nhân sinh, những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện và có tác dụng giáo dục sâu sắc.

Tham gia thi đấu trong ngày chính thức mở hội, ở nội dung đua bè mảng, mỗi đội gồm 3 vận động viên là những chàng trai khỏe mạnh. Họ phải vượt qua 3 vòng đua với độ dài 1.000m. Đội nào về trước sẽ giành chiến thắng. Trước khi về đích, mỗi bè phải lật 03 vòng trước đình thờ Thần Rắn với ý nghĩa chàng rắn đang oằn mình đánh lại lũ thuồng luồng gian ác; đồng thời uốn mình ba vòng trên sông để từ biệt cha mẹ và dân làng trước khi đi xa. Trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ; sự khéo léo, ăn ý giữa các thành viên trong đội và đặc biệt là phải có kinh nghiệm sông nước.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thắng, Lễ hội Phài Lừa mang tính nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, gắn liền với lễ thức cầu mưa, cầu nước, cầu mùa, một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian chứa đựng sắc thái tộc người rất độc đáo, còn giữ được những nét đặc trưng nguyên bản nhất của cư dân bản địa.

Thông qua những lần mở hội, các nghi thức, nghi lễ, các trò chơi dân gian được tái hiện; các câu truyện truyền thuyết, sự tích về các vị thần, về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán địa phương lại tiếp tục được khai mở, tạo dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm du khách dự hội.

Lễ hội còn được tô điểm thêm bởi những câu Sli, câu lượn của những đôi nam thanh, nữ tú trong trang phục áo chàm hát đối đáp giao duyên 

Trước ngày hội, từ già đến trẻ đều chuẩn bị những tà áo chàm xanh đen, nền nã, dung dị của dân tộc Tày, Nùng hay những bộ trang phục được thêu thùa sặc sỡ của các cô gái Dao… Lễ hội còn được tô điểm thêm bởi những câu Sli, câu lượn của những đôi nam thanh, nữ tú trong trang phục áo chàm hát đối đáp giao duyên mượt mà, sâu lắng, góp phần tạo nên không gian văn hóa mang đậm sắc thái dân tộc. Năm nay, huyện Bình Gia tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân khi tham gia Lễ hội sẽ mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.

Trong lễ hội, văn hóa ẩm thực được coi trọng, với những món ăn đặc trưng được chế biến từ những sản phẩm nông nghiệp bản địa như: lợn quay thơm nức được quay bằng phương pháp thủ công cùng những chén rượu men lá thơm nồng; các món xôi, bánh giầy, bánh ngải, bánh trôi, bánh chay, bánh bỏng, bánh chè lam… Ngoài ý nghĩa dâng cúng thần, các món ăn trên còn là sản vật, tặng phẩm đầy tình nghĩa, là văn hóa ẩm thực độc đáo cần bảo tồn và phát huy.

Quan trọng hơn, Lễ hội Phài Lừa góp phần tạo sự liên kết cộng đồng làng bản, dân tộc; là cơ hội để biểu dương sức mạnh cộng đồng, là dịp để dân làng quy tụ xung quanh vị Thần cầu mong an lành, hạnh phúc. Những ngày diễn ra lễ hội là những ngày sôi động của bản làng, mọi người ý thức rõ về trách nhiệm của bản thân, gia đình, tự nguyện góp sức, góp công để tổ chức lễ hội. Tính cố kết cộng đồng được thể hiện trong quan hệ dòng tộc, huyết thống qua việc họp họ, trong quan hệ tình làng nghĩa xóm qua việc tổ chức các hội “liên gia” và được nhân rộng lên thành mối quan hệ liên thôn, liên xã, liên cộng đồng xã hội, liên kết các chủ thể văn hóa bản địa tạo thành khối thống nhất.

Lễ hội Phài Lừa xã Hồng Phong, huyện Bình Gia là một sinh hoạt văn hoá tổng hợp chứa đựng nhiều giá trị văn hoá truyền thống. Thông qua các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống, chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo những tinh hoa của cộng đồng, của dân tộc. Qua đó, bản sắc văn hoá dân tộc bản địa được bảo lưu, trao truyền qua nhiều thế hệ đến tận ngày nay và cả mai sau.

Năm nay, 19 xã, thị trấn trong huyện Bình Gia đều bố trí tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu các nét đẹp văn hóa và sản phẩm nông, lâm nghiệp địa phương. Nhân dịp này, Ban quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn sẽ chủ trì tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về di sản địa chất và Lễ hội Phài Lừa trong khuôn khổ tổ chức các hoạt động của Lễ hội.

Với sự chuẩn bị sớm và chu đáo, hy vọng Lễ hội Phài Lừa năm nay sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, một “địa chỉ đỏ” kết nối du khách gần xa đến với Bình Gia./.

Bài, ảnh: Phương Liên - Ái Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Nước Giặt Comfort Mới - Đa Tính Năng Trong 1 Lần Giặt