A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023 sẽ chính thức diễn ra. Vạch đích ngày càng gần. Thời điểm hiện tại, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tăng tốc, tập trung thời gian, nguồn lực để hỗ trợ học sinh.

Đa dạng hình thức ôn tập

Theo kế hoạch đã được công bố, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 27 đến ngày 30/6. Trong đó, ngày 27/6, học sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, ngày 28 - 29/6 tổ chức coi thi và ngày 30/6 là ngày thi dự phòng. Dù là kỳ thi thường niên, song các đơn vị, nhà trường đều mang tâm thế nghiêm túc, không chủ quan trong công tác chuẩn bị, bởi đây là kỳ thi rất quan trọng với học sinh.

Nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: P.T

Tại Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), Hiệu trưởng Lê Việt Dương cho biết, nhà trường có hơn 600 học sinh lớp 12. Hầu hết trong số này đều sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học. Vì vậy, việc ôn tập kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài thi được tất cả giáo viên dốc sức triển khai. Yêu cầu của Ban Giám hiệu nhà trường với giáo viên là ôn tập sát theo nhóm đối tượng, quan tâm bồi dưỡng học sinh khá, giỏi để các em có cơ hội trúng tuyển đại học ở các trường tốp cao; hỗ trợ, phụ đạo học sinh từ trung bình trở xuống để các em đủ điều kiện tốt nghiệp.

Hay như tại Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), nhà trường đã tổ chức ôn tập bằng nhiều cách. Cụ thể, với các giờ học trên lớp, giáo viên củng cố, khắc sâu kiến thức trọng tâm, hệ thống hóa kiến thức, tập trung vào ba môn bắt buộc của kỳ thi là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Cùng đó, căn cứ tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội do học sinh đăng ký, nhà trường tổ chức lớp học chuyên đề các môn tương ứng với từng tổ hợp. Nhà trường bám sát chương trình, trọng tâm là lớp 12 và theo cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đồng thời chú ý phân hóa năng lực học sinh để bảo đảm phù hợp với năng lực, không gây quá tải.

Trịnh Vy Khanh (học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Hồ) cho biết, em luôn cố gắng dành thời gian nhiều nhất để ôn tập lại kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào cuối tháng 6. “Thời gian qua, dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo, em luôn cố gắng tiếp thu và tích lũy kiến thức. Ngoài thời gian lên lớp, em còn xây dựng thời gian biểu tự học cho mình ở nhà và lên các trang web uy tín về ôn thi do các thầy cô giáo giới thiệu để ôn luyện. Có gì không hiểu em sẽ trực tiếp hỏi bạn bè hoặc trao đổi với thầy cô giáo để được giải đáp. Em hy vọng sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới”, Vy Khanh chia sẻ.

Đối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo các Trung tâm tiến hành khảo sát chất lượng để trên cơ sở đó phân loại học viên; xây dựng kế hoạch, bố trí giáo viên tổ chức phụ đạo cho học viên yếu kém, bồi dưỡng học viên giỏi. Các Trung tâm cũng tích cực tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, biên soạn đề cương ôn tập, xây dựng kế hoạch ôn tập, tổ chức ôn tập cho học viên...

Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đông Anh Phan Thanh Dũng, Trung tâm hiện có 1.015 học viên, trong đó có 373 học viên lớp 12. Trung tâm luôn chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học và tổ chức đánh giá, xếp loại thực chất. Căn cứ vào kết quả xếp loại học lực lớp 11 và kết quả khảo sát chất lượng đầu năm lớp 12, Trung tâm đã tiến hành phân nhóm học viên, xây dựng kế hoạch ôn tập, hỗ trợ học viên trong quá trình học tập. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục củng cố nền nếp dạy học, tăng cường kiểm tra thực hiện nội quy của học viên; tiếp tục phân loại học viên yếu kém để phụ đạo…

Hỗ trợ tối đa cho học sinh

Năm 2022, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Hà Nội đạt 99,1% (trong đó tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT đạt 99,46% và hệ giáo dục thường xuyên đạt 96,28%). Toàn Thành phố có 104 đơn vị, trường học có tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%. Các trường ở khu vực ngoại thành có nhiều tiến bộ. Đơn cử như Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì) có tỷ lệ tốt nghiệp tăng 2,74%, số học sinh trượt giảm từ 13 học sinh xuống còn 3 học sinh. Trường THPT Đại Cường (huyện Ứng Hòa) có tỷ lệ tốt nghiệp tăng 1,65%, số học sinh trượt giảm từ 6 học sinh xuống còn 2 học sinh. Trường THPT Hoài Đức C (huyện Hoài Đức) lần đầu tiên có tỷ lệ tốt nghiệp 100%...

Tuy nhiên, dù tỷ lệ tốt nghiệp chung của toàn Thành phố cao, song còn thấp so với một số tỉnh, thành phố, đứng thứ 27 của cả nước. Xét theo điểm trung bình từng môn thi, có 41 trường có tất cả các môn thi đều thấp hơn mức trung bình của Thành phố. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả tốt nghiệp còn hạn chế, trong đó có kể đến việc Hà Nội có số lượng thí sinh dự thi đông (hàng năm khoảng gần 100.000 em), nhiều thí sinh tự do; chất lượng “đầu vào” và điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng dạy học ở các trường còn có sự chênh lệch khá lớn... Để cải thiện điều này, giữa tháng 4 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với sự tham gia của cán bộ quản lý 70 trường công lập, tư thục. Đây là những trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất Thành phố năm 2022. Đại diện các nhà trường đã lắng nghe, chia sẻ, thảo luận và thống nhất giải pháp, đặc biệt trong việc phụ đạo học sinh yếu, kém.

Bày tỏ quyết tâm cố gắng cải thiện chất lượng dạy học, đại diện Trường THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cho biết, nhiều học sinh của trường ở miền núi, gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa nên ở một mình hoặc ở với ông bà. Vì vậy, ngoài các giải pháp chung như các trường bạn, nhà trường sẽ tập trung các nguồn lực hỗ trợ; phân công giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình từng học sinh, phụ đạo học sinh yếu, kém theo từng môn. Nhằm giúp học sinh không bị điểm liệt, các tổ chuyên môn xây dựng đề cương ôn tập cho đối tượng này ở mức cơ bản, đồng thời tổ chức cho học sinh tập dượt nhiều lần với các môn thi như kỳ thi thật.

Năm 2023, toàn Thành phố dự kiến có gần 100.000 thí sinh đăng ký dự thi (chưa kể thí sinh tự do) - số lượng thí sinh dự thi lớn nhất trong các địa phương trên cả nước. Điều này đòi hỏi ngành GD&ĐT Hà Nội phải chủ động, tích cực phối phợp với các sở, ngành liên quan bảo đảm tổ chức kỳ thi trung thực khách quan, công bằng, hiệu quả và cố gắng nâng tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn so với năm 2022. Hà Nội dự kiến điều động khoảng 19.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, trường học đặc biệt quan tâm đến công tác tập huấn, phổ biến quy chế thi cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Từ nay tới trước ngày thi, cùng với việc tổ chức dạy học, ôn tập theo kế hoạch, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường đặc biệt quan tâm diễn biến tâm lý học sinh, phát huy hiệu quả các hoạt động tư vấn tâm lý; rà soát trang thiết bị, vật tư y tế; duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.

Phạm Thảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...