A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khơi thông nguồn lực xã hội trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Quốc hội vừa thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với nhiều điểm mới, trong đó có quy định thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa (DSVH). Quyết sách trên đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân nhằm khơi thông nguồn lực xã hội trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH hiện nay.

Không chỉ trông vào ngân sách

Phú Thọ là địa phương có hệ thống DSVH phong phú, đa dạng với hơn 1.900 DSVH vật thể và phi vật thể; trong đó có 328 di tích lịch sử-văn hóa đã xếp hạng. Mặc dù được các cấp lãnh đạo quan tâm nhưng công tác bảo tồn, phát huy DSVH tại tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo tìm hiểu, trong hai năm trở lại đây, mỗi năm, tỉnh Phú Thọ dành ngân sách 2,7 tỷ đồng hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp di tích; song, với 2/3 di tích trên địa bàn cần tu bổ thì số tiền trên chưa thấm vào đâu.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Nga Việt, Trưởng phòng Quản lý DSVH, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ trăn trở: “Mỗi năm, khi xét hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích, chúng tôi phải nâng lên đặt xuống nhiều lần. Do kinh phí từ ngân sách eo hẹp, công tác huy động nguồn xã hội còn khó khăn nên nhiều di tích hiện chưa được tu bổ, tôn tạo dù đã xuống cấp”.

Nghệ thuật ca trù cần nguồn lực đầu tư bảo tồn và phát huy để sớm ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Ảnh: THANH TÙNG 

Với mức ngân sách 13,5 tỷ đồng/năm nhưng thực tế, việc tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn trông chờ vào nguồn đối ứng của địa phương. Theo ông Nguyễn Hữu Phương, Trưởng phòng Quản lý DSVH, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, trong năm 2024, mặc dù Bắc Giang đã bố trí ngân sách tương đối ổn nhưng việc tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn khá trầm so với giai đoạn trước. Nguyên nhân một phần do kinh tế khó khăn, một số địa phương không thể đối ứng được ngân sách hay bố trí quỹ đất. “Tỉnh Bắc Giang hiện có 755 di tích, danh thắng đã xếp hạng. Bắc Giang hỗ trợ bằng cách cấp kinh phí tu bổ nhất định cho từng di tích nhằm “kích cầu”, số tiền còn lại do chính quyền địa phương đối ứng hoặc kêu gọi nguồn hỗ trợ từ nhân dân và các nhà hảo tâm. Ví dụ, trùng tu một di tích khoảng 1,3 tỷ đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, 1 tỷ đồng còn lại không phải địa phương nào cũng huy động được”, ông Nguyễn Hữu Phương cho biết.

Khó khăn về nguồn lực không chỉ riêng ở lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích. Lấy ví dụ tại tỉnh Nghệ An, mỗi Nghệ nhân Nhân dân được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, mỗi Nghệ nhân Ưu tú được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, mỗi câu lạc bộ bảo tồn DSVH được hỗ trợ kinh phí hoạt động 5 triệu đồng/năm... Chính sách hỗ trợ trên cho thấy sự quan tâm của tỉnh, song kinh phí hỗ trợ vẫn khiêm tốn so với mức chi tiêu hiện nay. Một thực trạng đáng bàn khác là sau 15 năm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh, nghệ thuật ca trù vẫn chưa ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp bởi chưa có sự quan tâm và đầu tư nguồn lực đúng mức. 

Bước tiến lớn để huy động nguồn lực xã hội

Điều 89 Luật DSVH (sửa đổi) ngày 23-11-2024 quy định chi tiết về Quỹ bảo tồn DSVH. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đủ, bao gồm: Bảo vệ DSVH phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; thực hiện các công trình, hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về DSVH phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu có giá trị của Việt Nam để bổ sung cho các sưu tập của bảo tàng, di tích.

Luật quy định rõ Quỹ bảo tồn DSVH được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. PGS, TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia khẳng định: “Việc Quỹ bảo tồn DSVH ra đời là một bước tiến lớn để huy động các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước. Vấn đề là chúng ta quản lý quỹ này thế nào, mục tiêu, đối tượng ra sao để phù hợp với thực tiễn".

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Ủy viên Hội đồng DSVH quốc gia cho rằng: “Các quốc gia phát triển trên thế giới từ lâu đã thành lập và vận hành hiệu quả Quỹ bảo tồn DSVH. Hằng năm, họ lập danh sách các di tích, di sản cần hỗ trợ để bảo tồn và phát huy, sau đó xem xét và phân bổ kinh phí hỗ trợ hợp lý. Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH là nhiệm vụ của toàn xã hội chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước”.

HOA LƯ


Tags: văn hóa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...