A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hơn 11 nghìn người tử vong trên thế giới do COVID-19 trong một ngày qua

Đến sáng 2/2, thế giới có tổng số 381.795.786 ca nhiễm và 5.704.155 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua, thế giới có thêm tới 2.862.646 ca nhiễm và 11.168 ca tử vong mới. Với 416.896 ca nhiễm mới, Pháp là quốc gia ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm nhất; trong khi Mỹ với 2.780 ca tử vong mới là quốc gia có thêm nhiều ca tử vong do COVID-19 nhất trên thế giới trong ngày qua.

 Đến sáng 2/2, thế giới có tổng số 381.795.786 ca nhiễm COVID-19. (Ảnh: AFP)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 2/2, đã có 301.572.972 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 74.518.659 ca bệnh đang điều trị, có 74.426.158 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 92.501 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 224 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong ngày qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 1.528.208 ca nhiễm và 3.454 ca tử vong mới vì COVID-19, nâng tổng số ca lên mức 128.376.290 ca nhiễm mới và 1.629.732 ca tử vong. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Pháp, Đức và Italy có số ca nhiễm mới trong ngày qua nhiều nhất tại châu Âu khi có thêm lần lượt 416.896; 183.434 và 133.142 ca nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận. Trong khi đó, Nga cũng là nước có số ca mới tử vong vì COVID-19 trong ngày qua cao nhất khu vực với 663 ca, tiếp sau đó là Tây Ban Nha (408 ca) và Pháp (381 ca).

Với 101.044.364 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 2/2, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong một ngày qua, châu lục ghi nhận thêm 635.564 ca nhiễm mới và 2.524 ca đã tử vong do COVID-19. Trong ngày qua, 3 quốc gia có số người mới nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 mới được ghi nhận là 158.576; 102.601 và 65.875 ca; số trường hợp mới tử vong lần lượt là 1.728; 198 và 121 ca.

Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 89.571.459 ca, trong đó có 1.324.919 ca tử vong và 57.669.229 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, với 264.693 ca nhiễm COVID-19 mới, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực; tiếp sau là Mexico với 12.521 ca và Martinique với 9.983 ca nhiễm mới. Cùng với đó, Mỹ cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong ngày qua với 2.780 ca; sau đó là Mexico với 198 ca, Canada với 144 ca tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 278.309 ca nhiễm và 1.409 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 48.937.659 ca và 1.217.405 ca tử vong. Trong ngày qua, Brazil là nước có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực khi có thêm 171.028 ca nhiễm mới, sau đó là Argentina với 49.122 ca, và Chile với 22.192 ca nhiễm mới. Đồng thời, với 767 ca tử vong ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất khu vực vì COVID-19; tiếp sau là Colombia với 251 ca và Argentina với 240 ca tử vong mới do COVID-19.

Tính đến sáng 2/2, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 11.094.739 ca, trong đó có 240.084 ca tử vong và 9.930.813 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất trong khu vực, với tổng số 3.608.307 ca nhiễm và 95.093 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.085 ca nhiễm mới và 195 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco với tổng số 1.135.796 ca nhiễm COVID-19 và 15.435 ca tử vong; Tunisia với 917.814 ca nhiễm COVID-19 và 26.362 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 2.770.554 ca nhiễm (tăng 32.652 ca) và 6.226 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 81 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trong khu vực trên trang worldometers.info hiện là Australia với 34.204 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.579.240 ca, trong đó 3.835 ca tử vong (tăng 77 ca). Tiếp sau đó là New Celedonia với 1.515 ca nhiễm mới trong ngày qua.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca lây nhiễm không ngừng tăng cao, nhiều quốc gia châu Á tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế mức độ lây lan của virus.

Tại Italy, kể từ ngày 1/2, hầu hết các cửa hàng tại nước này yêu cầu khách hàng phải có thẻ xanh COVID-19 mới được vào cửa, trong khi thời hạn hiệu lực của siêu thẻ xanh bị giảm từ 9 tháng xuống còn 6 tháng. Theo sắc lệnh mới đã được Thủ tướng Mario Draghi ký, khách hàng phải xuất trình thẻ xanh mới được vào ngân hàng, bưu điện, văn phòng công cộng, tiệm thuốc lá, hiệu sách, quầy bán báo (trừ gian hàng ngoài trời), trung tâm mua sắm, tiệm cắt tóc và thẩm mỹ viện. Từ ngày 1/2, thời hạn của siêu thẻ xanh - được cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 - cũng bị giảm từ 9 xuống 6 tháng.

Bộ Y tế Israel cùng ngày cũng đã gửi dự thảo nội dung thay đổi quy định sử dụng thẻ xanh tới Ủy ban chống COVID-19 của nước này. Theo đó, thẻ xanh sẽ chỉ áp dụng để tham dự những sự kiện đông người có nguy cơ lây nhiễm cao như tiệc tùng, đám cưới hay vũ trường. Nếu được thông qua, quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 6/2 tới. Và những ai đã được tiêm 2 mũi vaccine hay khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 sẽ được cấp thẻ xanh có hiệu lực trong 4 tháng. Những ai đã được tiêm từ 3 mũi vaccine trở lên sẽ được cấp thẻ xanh với thời hạn không xác định. Bộ trên cũng bãi bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm PCR đối với những người xuất cảnh hay những người chưa tiêm vaccine. Những người đã có thẻ xanh được miễn xét nghiệm này./.

Khánh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết