A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Bảo đảm công bằng từ góc độ pháp luật giáo dục

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên áp dụng toàn diện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT. Trước những lo lắng của cử tri và Nhân dân, yêu cầu đặt ra không chỉ là đảm bảo chất lượng giáo dục mà còn là sự công bằng, minh bạch và phù hợp với pháp luật trong tổ chức thi cử trên cả nước.

 

Pháp luật giáo dục đặt ra nguyên tắc công bằng, minh bạch. Ảnh mang tính minh họa: P.V

Kỳ thi đầu tiên của một chương trình đổi mới toàn diện

Theo Báo cáo số 982/BC-UBDNGS15 ngày 9/7/2025 của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm sâu sắc đến công tác tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2025. Đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chương trình được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.

Chương trình này nhấn mạnh đến năng lực cá nhân, phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống và phát triển toàn diện thay vì chỉ học thuộc lòng và ghi nhớ kiến thức. Tuy nhiên, đổi mới chương trình kéo theo áp lực lớn trong đổi mới phương pháp thi, từ hình thức, nội dung đến kỹ thuật tổ chức. Trong khi đó, điều kiện dạy học giữa các vùng miền vẫn còn nhiều chênh lệch, khiến dư luận lo ngại về tính công bằng và khả năng tiếp cận của học sinh ở khu vực khó khăn.

Tại các diễn đàn giáo dục, câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để một kỳ thi vừa phản ánh được triết lý của chương trình mới, vừa đảm bảo quyền lợi cho học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa?

Về mặt pháp lý, theo quy định tại Thông tư 15/2020/TT‑BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, chính là cơ sở cho việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong quá trình ra đề, Bộ GD&ĐT phải bảo đảm đề thi phù hợp với nội dung chương trình, phân hóa trình độ học sinh và đáp ứng mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp cũng như xét tuyển đại học.

Bên cạnh đó, Thông tư 06/2023/TT‑BGDĐT khẳng định sửa đổi, bổ sung Quy chế thi, với mục tiêu rõ ràng đặt người học làm trung tâm và đảm bảo công bằng. Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ngày 24/12/2024, ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, kế thừa và tiếp tục nhấn mạnh nguyên tắc này, trong đó: Điều 2 quy định kỳ thi phải "bảo đảm… công bằng" và lấy "kết quả học tập của người học" làm căn cứ chính.

Do đó, việc thiết kế đề thi năm 2025 không thể đơn thuần áp dụng mô hình đánh giá như trước đây mà cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế triển khai chương trình mới và bối cảnh học sinh chịu nhiều ảnh hưởng do chênh lệch điều kiện học tập sau dịch COVID-19.

Đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 tốt nghiệp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chương trình được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Ảnh mang tính minh họa: P.V

Pháp luật giáo dục đặt ra nguyên tắc công bằng, minh bạch

Một trong những nguyên lý quan trọng của Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020, Điều 13 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, Khoản 1 quy định rõ, học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

Điều luật này đặt nền móng pháp lý cho quyền bình đẳng trong giáo dục, khẳng định rằng mọi công dân không được phân biệt đối xử dựa trên bất kỳ yếu tố cá nhân nào, bao gồm cả điều kiện vùng miền, dân tộc, hay hoàn cảnh kinh tế.

Tổ chức thi không minh bạch, không công bằng có thể dẫn tới nhiều hệ lụy: Từ sai lệch đánh giá học sinh, mất niềm tin xã hội vào hệ thống giáo dục đến xâm phạm quyền lợi người học, đặc biệt là học sinh yếu thế, học sinh vùng khó khăn.

Đó là chưa kể đến nguy cơ khiếu kiện, khiếu nại hành chính nếu thí sinh cho rằng việc thi cử có sai sót, vi phạm nguyên tắc tổ chức được quy định tại Luật Giáo dục, Luật Khiếu nại và các văn bản hướng dẫn.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng cảnh báo, nếu kỳ thi không được thiết kế theo hướng đánh giá đúng năng lực học sinh, kỳ vọng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ bị triệt tiêu ngay trong bước đánh giá đầu tiên, nơi cần phản ánh “học thật, thi thật, chất lượng thật”.

Việc cử tri kiến nghị tới Quốc hội và được phản ánh trong Báo cáo của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát cho thấy kỳ vọng lớn của Nhân dân vào vai trò của Quốc hội trong giám sát hệ thống giáo dục, đặc biệt là công tác thi cử. Thực tế, giám sát tổ chức thi không chỉ là trách nhiệm của ngành Giáo dục mà cần sự vào cuộc của các cơ quan dân cử, mặt trận, báo chí và xã hội.

Báo cáo 982 cũng thể hiện rõ ràng cho hoạt động giám sát này, cho thấy Ủy ban Dân nguyện đã tiếp nhận, phân tích kiến nghị cử tri một cách bài bản và gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét. Đây là một phần trong tiến trình kiểm soát quyền lực và thúc đẩy cải cách hành chính trong ngành Giáo dục.

Để kỳ thi 2025 thực sự “học gì – thi nấy”

Nhằm đảm bảo sự công bằng, hợp pháp và minh bạch trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, theo chuyên gia giáo dục, cần lưu ý một số định hướng:

Bộ GD&ĐT cần sớm công bố đề thi tham khảo minh họa, công khai định hướng ra đề, đặc biệt là cơ chế phân hóa để tránh gây áp lực tâm lý và bảo đảm sự chuẩn bị đầy đủ cho cả học sinh và giáo viên; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn giáo viên vùng khó khăn, cung cấp học liệu số miễn phí, phổ cập phương pháp học phù hợp với chương trình mới.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và Ủy ban Dân nguyện tiếp tục theo sát phản ánh của cử tri về kỳ thi, tổ chức giám sát chuyên đề nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông, phổ biến pháp luật giáo dục, đặc biệt là các quyền, nghĩa vụ của học sinh trong thi cử, để phụ huynh và thí sinh hiểu rõ quy trình, tránh hoang mang.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là bước thử đầu tiên của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nếu tổ chức thành công, thể hiện hiệu quả của một cuộc cải cách toàn diện. Nhưng nếu không bảo đảm sự tương thích giữa chương trình – đề thi – điều kiện vùng miền, kỳ thi có thể làm lệch hướng cải cách. Trong bối cảnh đó, vai trò pháp luật và cơ chế giám sát cần được phát huy tối đa để bảo vệ quyền học tập và sự công bằng cho mọi học sinh trên khắp đất nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...