A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai rộng mở

Nếu ví Hà Nội như một chiếc máy tính, thì nguồn nhân lực chất lượng cao chính là bộ vi xử lý, để hoạt động hiệu quả. Theo đó, ngành GD&ĐT đóng vai trò quan trọng hàng đầu, giúp Hà Nội có nguồn nhân lực chất lượng cao, vươn mình cất cánh trong kỷ nguyên số.

Chìa khóa” thành côngphát triển bền vững

Theo kế hoạch năm 2024 của UBND TP, Hà Nội phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo là 74,2%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp sẽ thực hiện đào tạo cho 235.000 lượt người.

Hiện nay, Hà Nội có hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều trường đại học lớn hàng đầu. Số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với những cơ chế, chính sách đặc thù trong đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài. Những yếu tố này là cơ hội lớn để ngành Giáo dục tham gia, đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của TP trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ.

thủ khoa

Các thủ khoa tiêu biểu của thành phố Hà Nội

Tại phiên họp của Tiểu ban Phát triển nhân lực, chủ đề “Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao”, do Bộ GD&ĐT tổ chức, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhắc đến 5 bài học kinh nghiệm: Định hướng chương trình rõ ràng để người học lựa chọn đúng; chương trình đào tạo cần xây dựng khoa học, có triết lý theo mục đích; cần có các đối tác phù hợp, tích cực để phối hợp thực hiện; các kỹ năng bổ trợ và ngoại ngữ là cần thiết; xây dựng danh tiếng và quảng bá phù hợp.

Quan điểm của Đại học Bách khoa Hà Nội là: Mô hình tinh, gọn, hiệu quả; người học thành công; người thầy được sáng tạo, cống hiến; chương trình đào tạo và nghiên cứu luôn cập nhật, đánh giá; các đối tác được chia sẻ, phối hợp chặt chẽ.

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đề cập đến 4 nhóm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao. Đó là: Hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, đảm bảo công tác quản lý chất lượng đào tạo và hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vì sự thành công của người học; nâng cao chất lượng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nhóm lĩnh vực công nghệ then chốt; đẩy mạnh hợp tác mạng lưới đối tác và quốc tế hóa trong giáo dục đại học, thích nghi với xu hướng phát triển giáo dục toàn cầu; chăm sóc, tư vấn, đồng hành cùng người học theo xu hướng cá thể hóa và bồi dưỡng, phát triển nhân tài, tài năng.

Thu hút nhân tài trong thời đại số

Chị Trần Kim Huyền, Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho rằng, những năm qua, Thủ đô đạt được rất nhiều thành tựu toàn diện, quan trọng trên các lĩnh vực. Để có được những thành quả như vậy, bên cạnh chính sách và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, TP, còn có những cống hiến trong sáng, không ngừng của đội ngũ trí thức trong, ngoài nước.

Chị Trần Kim Huyền, Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Chị Trần Kim Huyền, Bí thư Quận đoàn, Chủ tịch Hội LHTN quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

"Rất nhiều trí thức lựa chọn con đường đồng hành với bước tiến của Thủ đô. Trong đó có người là đảng viên, có người không phải là đảng viên nhưng tựu chung một khát vọng vì sự hùng cường của Việt Nam để sánh vai cùng các cường quốc năm châu, vì tình yêu với Hà Nội", chị Huyền chia sẻ.

Theo chị Huyền, sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Hà Nội sẽ có điều kiện áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và có sự chủ động trong công việc.

Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm cho rằng, ngoài việc thực hiện các chế độ đãi ngộ, lương, thì chọn người tài đức phải dựa vào sự tâm huyết, chân thành trong nhận thức cùng khát vọng cống hiến trong sáng, chính đáng của họ. Cũng chính vì sự tự trọng, khát vọng cống hiến, người có tài đức sẵn sàng gánh vác những trọng trách được giao. Họ sẽ chủ động đề xuất, dám nghĩ, dám làm và tự chịu trách nhiệm trước những quyết định của bản thân.

Còn chị Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Azmax nhìn nhận, cùng với nguồn lực đất đai, vốn đầu tư, ngân sách, nhân lực là một trong 4 nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô.

Để xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh cần dựa trên nền tảng công nghệ cao, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề tối quan trọng để thực hiện các mục tiêu này. Chị Nguyễn Thu Hương đề xuất: "Nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài cho Thủ đô, lãnh đạo TP cần có chính sách tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong các lĩnh vực trọng yếu đạt trình độ quốc tế.

Chị Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Azmax

Chị Nguyễn Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Azmax

Cùng với đó là tăng cường đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cho người lao động, đặc biệt là kỹ năng mềm, tính kỷ luật, kỷ cương lao động; đồng thời đa dạng hóa các phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường, đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở các lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò trung tâm GD&ĐT của cả nước".

Chị Hương cho rằng, thời gian tới, TP cần xác định đây là khâu đột phá với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo; chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng, sáng tạo khoa học công nghệ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế.

Tạo môi trường làm việc dân chủ

Là thủ khoa xuất sắc năm 2004, GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, được tuyên dương thủ khoa xuất sắc là niềm vinh dự, tự hào. Tuy nhiên, tự hào đi liền trách nhiệm, phải nỗ lực phấn đấu bởi danh hiệu thủ khoa mới chỉ là bước khởi đầu.

“Trước khi trở về nước, tôi đã có công việc rất tốt ở Anh. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định trở về Việt Nam bởi tin rằng sẽ có nhiều điều kiện phát triển. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng ngoài đãi ngộ, thì môi trường làm việc là yếu tố quan trọng để thu hút, giữ chân nhân tài”, GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng chia sẻ.

Cũng từng là thủ khoa xuất sắc về Hà Nội công tác gần 10 năm, chị Nguyễn Quỳnh Trang, Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai cho rằng, chế độ đãi ngộ và chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay còn nhiều bất cập. Đây là điều cần khắc phục để thu hút, giữ chân người tài.

“Tiền lương và các chế độ đãi ngộ trong một số trường hợp không phải là yếu tố duy nhất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Yếu tố môi trường làm việc và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là thủ trưởng cơ quan, đơn vị có sự động viên ghi nhận kịp thời sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy đội ngũ này tiếp tục cống hiến”, chị Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đây là chủ trương lớn đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để thực hiện được chủ trương, nhiệm vụ rất lớn này, cần có sự quyết tâm, thống nhất cao và sự hợp tác hiệu quả giữa các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách đột phá và các nguồn lực đầu tư lớn, xứng tầm nhiệm vụ.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...