A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại học Thủ Dầu Một phát triển hoạt động đào tạo sau đại học

Ngày 25/1, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển hoạt động đào tạo sau đại học của trường Đại học Thủ Dầu Một”.

Hội thảo khoa học tập trung thảo luận về các chủ đề: Công tác tuyển sinh sau đại học; nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tại trường Đại học Thủ Dầu Một; mô hình quản trị sau đại học; phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học của bậc sau đại học; công tác kiểm định và hoạt động bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại học.

Bà Trương Thị Bích Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - tham dự Hội thảo
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, TS Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, công tác đào tạo sau đại học của trường từ năm 2015 đến nay đã tạo được những bước phát triển đáng kể với quy mô đào tạo gồm 11 ngành thạc sĩ (Lịch sử Việt Nam, Văn học Việt Nam, Công tác xã hội, Quản lý giáo dục, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Luật kinh tế, Khoa học môi trường, Hệ thống thông tin, Ngôn ngữ Anh) và 1 ngành tiến sĩ (Lịch sử Việt Nam).

Sự phát triển về chất lượng và quy mô của các ngành đào tạo sau đại học đã trở thành địa chỉ uy tín, thu hút nhiều học viên trong và ngoài tỉnh đến tham gia học tập, nghiên cứu.

Trong định hướng phát triển của trường, công tác đào tạo sau đại học luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng chung của trường và nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng trường, góp phần hoàn thành các cam kết, khẳng định uy tín của nhà trường đối với xã hội.

Tuy nhiên, bậc đào tạo sau đại học vẫn còn một số hạn chế. Vì thế, hội thảo không chỉ là một sự kiện khoa học có ý nghĩa nhằm tổng kết, đánh giá quá trình hình thành và phát triển hoạt động đào tạo sau đại học của trường, mà còn là chủ đề diễn đàn trao đổi một cách sâu sắc và nghiêm túc về thực trạng, hạn chế của công tác đào tạo bậc sau học tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Qua đó, lãnh đạo nhà trường thấu hiểu hơn những khó khăn, thách thức mà trường đang phải đối mặt; đồng thời lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, đề xuất giải pháp đến từ các chuyên gia, giảng viên, học viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của nhà trường.

Hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều bài tham luận và các ý kiến trao đổi xoay quanh những chủ đề liên quan. Hội thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến phát triển đào tạo sau đại học của trường Đại học Thủ Dầu Một trong giai đoạn sắp tới.

Để mở rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo sau đại học, các chuyên gia, giảng viên cho rằng, trong thời gian qua, hoạt động bậc đào tạo sau đại học của trường Đại học Thủ Dầu Một đã trở thành địa chỉ giáo dục uy tín, thu hút nhiều học viên tham gia học tập, nghiên cứu.

Tuy nhiên, nhà trường cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa để chất lượng đào tạo trình độ sau đại học gắn với nhu cầu thị trường, nhu cầu xã hội; gắn kết đào tạo sau đại học với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương nói riêng, khu vực Đông Nam Bộ nói chung. Đặc biệt, trường gắn đào tạo sau đại học với nhu cầu xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao của tỉnh Bình Dương. Trường cần đẩy mạnh mở các lớp đào tạo theo đơn đặt hàng của các đơn vị trên địa bàn tỉnh, các đơn vị thuộc tỉnh, các đơn vị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Mặt khác, hội thảo còn phân tích và nhận định những khó khăn, thuận lợi khi thực hiện đề án mở các mã ngành đào tạo thạc sĩ mới, các ngành đào tạo tiến sĩ; đánh giá về thực trạng đội ngũ cùng các nội lực của trường trong lộ trình thực hiện đào tạo trình độ tiến sĩ khối ngành kinh tế, lịch sử, quản lý giáo dục…

Nhìn nhận về xu thế nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ sau đại học, các chuyên gia cho rằng, việc đổi mới đào tạo sau đại học là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày một sâu rộng. Tuy nhiên việc đổi mới, thay đổi cần được tiến hành cẩn trọng theo định hướng khoa học với những giải pháp cụ thế, có tính khả thi.

Đại học Thủ Dầu Một phát triển hoạt động đào tạo sau đại học
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo bà Trương Thị Bích Hạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao về chất lượng của các bài tham luận, khâu tổ chức hội thảo cũng như những định hướng phát triển của nhà trường về hoạt động đào tạo sau đại học.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh về vai trò quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Trương Thị Bích Hạnh khẳng định, trường Đại học Thủ Dầu Một có vai trò quan trọng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sự phát triển của trường trong thời gian qua rất nhanh và mạnh với nhiều ngành nghề đa dạng.

Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, trường cần chú trọng triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo như: Cơ cấu lại các ngành trên cơ sở thế mạnh, phát triển ngành chủ lực, tạo ra thương hiệu giáo dục để phù hợp với sự phát triển chung; cơ cấu lại các ngành gắn với nhu cầu và đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, của vùng Đông Nam Bộ; phát triển đồng bộ các ngành học phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bình Dương.

Để đảm bảo phát triển hoạt động đào tạo sau đại học đáp ứng trước xu thế tự chủ, bà Trương Thị Bích Hạnh đề nghị, trong công tác đào tạo, vai trò của trường Đại học Thủ Dầu Một trong việc tham mưu, đề xuất cho tỉnh liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực là rất lớn nên cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn đối với một số cơ quan thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để biết được thông tin định hướng và trao đổi nhu cầu về nguồn nhân lực.

Từ đó, trường đề xuất, xây dựng các chuyên ngành đào tạo, đào tạo theo địa chỉ; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác truyền thông trong việc quảng bá các ngành đào tạo sau đại học, xây dựng hình ảnh tích cực nhằm thu hút tuyển sinh và khẳng định vị thế đào tạo sau đại học của Trường; nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút học viên.

Đồng thời, phát huy vai trò là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của địa phương, trường Đại học Thủ Dầu Một tham mưu cho chính quyền trong việc xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học phù hợp với công tác quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong thời kỳ hội; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn với nhu cầu phát triển thực tiễn của địa phương, của vùng Đông Nam Bộ…

Đại biểu chụp hình lưu niệm
Đại biểu chụp hình lưu niệm

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS Đoàn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một nhấn mạnh, công tác quản trị sau đại học cần phải được đổi mới một cách quyết liệt, toàn diện theo hướng số hóa - thông minh - hạnh phúc.

Trong thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai thực hiện nhằm theo kịp với xu thế phát triển của nền giáo dục đại học Việt Nam nói chung, xu hướng phát triển của vùng Đông Nam Bộ và của tỉnh Bình Dương nói riêng.

Bên cạnh đó, TS Đoàn Ngọc Xuân cũng đề xuất các nhóm giải pháp thúc đẩy sự phát triển của hoạt động đào tạo sau đại học, gồm: Cấu trúc lại ngành học theo hướng hiện đại hóa, gợi mở, liên thông, liên kết, mở rộng, đa dạng hóa các hình thức liên kết không chỉ trong nước mà cả quốc tế, liên thông không chỉ bậc đại học, cao học mà liên thông nâng cao; cải tiến, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình; kết nối đội ngũ chuyên gia cùng đóng góp cho sự phát triển của nhà trường; chăm sóc người học, người dạy để có giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng; kết nối, quy tụ đội ngũ khoa học trong nước, đẩy mạnh việc nghiên cứu đóng góp cho sự phát triển của nhà trường; đẩy mạnh công tác truyền thông có định hướng, phải thực chất, truyền thông truyền cảm hứng, đảm bảo niềm tin, sự tín nhiệm của người học.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...