A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác, tỉnh táo với thủ đoạn lợi dụng thiên tai để xuyên tạc, chống phá

Các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị đã lợi dụng thiên tai để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Giữa lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang gồng mình ứng phó với trận bão số 3 và lũ lụt lịch sử sau bão, thì trên mạng xã hội lại có những “cơn bão” tin sai, xuyên tạc về việc vỡ đập, vỡ đê, ngập lụt, sạt lở, cứu trợ, từ thiện... dẫn đến người dân hoang mang. Các thế lực thù địch lại “ăn theo” nỗi đau của nhân dân ở những vùng bị thiên tai tàn phá để đưa ra các chiêu bài chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Mới đây, Công an huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) đã phát hiện tài khoản Facebook “Ngô Quý (Thanh)” có đăng tải bài viết với nội dung “An Thanh vỡ đê nhé. Mọi người chuẩn bị xuồng và áo phao làm nhiều người hoảng loạn. Công an huyện Tứ Kỳ đã làm việc với UBND xã An Thanh và xác nhận không có việc đê bị vỡ như bài viết nêu trên. Đồng thời, Công an huyện đã xác minh và mời chủ tài khoản Facebook là Ngô Văn Quý (sinh năm 1993, trú tại xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ) lên trụ sở công an để làm việc.

Từ “bão” tin sai đến chiêu bài chống phá

Trang fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ Quảng Ninh để kêu gọi quyên góp, ủng hộ sau bão số 3 . Ảnh minh họa

Tại cơ quan công an, Ngô Văn Quý đã nhận thức rõ được hành vi của mình là vi phạm, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện. Công an huyện Tứ Kỳ đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, nhiều tài khoản facebook đã đăng tải thông tin đập thủy điện Nậm Pung ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bị vỡ, đồng thời kêu gọi mọi người dân kịp thời chạy lũ, gây hoang hoang cực độ cho quần chúng nhân dân trên địa bàn khi mà nước lũ trên sông Hồng đang dâng cao và có diễn biến hết sức phức tạp.

Ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện ủy Bát Xát khẳng định, thông tin trên là sai sự thật, không có việc đập thủy điện Nậm Pung bị vỡ. Theo ông Triều, những thông tin đăng tải trên mạng xã hội hoàn toàn sai sự thật, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân.

Vô tình tìm được clip một chiếc tàu mắc kẹt dưới gầm cầu do mưa lũ, không cần xác minh thông tin, Lương Thị Thắm, trú tại phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) đã sử dụng tài khoản Phương Thắm trên mạng xã hội facebook để đăng tải nội dung nước sông Trà Lý dâng cao, mọi người hạn chế đi qua cầu Vũ Đông vì có một chiếc tàu va chạm với thân cầu. Thông tin trên khiến nhiều người hoảng loạn nhưng đó là thông tin sai sự thật. Sau khi được cơ quan chức năng triệu tập làm việc, Lương Thị Thắm đã thừa nhận hành vi đăng tải trên facebook cá nhân với nội dung chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật và xin tự nguyện gỡ bỏ bài viết.

Lợi dụng thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội đã xuất hiện các cá nhân đăng tin trên trang zalo, facebook để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão, lũ gây ra, giả mạo Hội Phụ nữ phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.

Đặc biệt, trên mạng xã hội và một số trang web của một số tổ chức khủng bố, phản động, trang cá nhân của một số kẻ bất mãn còn có cả những thông tin xuyên tạc, suy diễn, quy chụp, vu khống thực tế ở Việt Nam. Từ hải ngoại, cóp nhặt một số thông tin, hình ảnh trên báo chí và các trang mạng trong nước, các đối tượng thù địch, phản động ở nước ngoài đã “cắt dán”, “chế biến” theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” để rồi xuyên tạc, bóp méo sự thật, hạ thấp, phủ nhận những kết quả trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các cấp chính quyền; hạ thấp uy tín của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhằm hướng lái dư luận, tạo sự hoài nghi trong nhân dân trong công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu nạn.

Trên Fanpage Việt Tân Úc Châu đăng nội dung “Cứ mỗi khi có thiên tai, cán bộ lãnh đạo chỉ có một chiêu sử dụng chiêu từ thiện để bỏ tiền vào túi” cùng với hình ảnh mang nội dung như “Suốt 50 năm qua, chỉ có chiêu “lá lành đùm lá rách” vậy thì tiền thuế dân đóng ở đâu?". Thậm chí có trang còn đưa thông tin mất hết nhân tính như: “Cầu mong cho cơn bão vào miền Bắc mạnh hơn nữa. Cho miền Bắc chết hết càng vui”...

Một số kẻ cơ hội chính trị lợi dụng việc bão lớn làm đổ nhiều cây xanh, nhiều cột điện, hỏng nhiều đường sá, cầu cống, rồi cố tình chọn đăng một vài hình ảnh (cả ảnh thật và ảnh cắt ghép, ảnh không rõ nguồn gốc và thời điểm chụp) như: Cây trồng có bầu rễ, cây mới trồng chưa kịp bén rễ, cột điện có ít lõi sắt để quy chụp rằng: “Nguyên nhân dẫn đến thiệt hại này là do tham nhũng quá nhiều và ở khắp mọi nơi, rồi do sự tắc trách của chính quyền các cấp, sự vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng”.

Những thông tin sai sự thật hoặc thổi phồng, cố tình bôi nhọ, xuyên tạc, chống phá như đã nêu trên vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là trong thời điểm rất nhiều người dân đang gặp khó khăn do bị thiên tai. Những ai thiếu tỉnh táo, “nhẹ dạ cả tin” thì dễ rơi vào trạng hoài nghi, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chính quyền các địa phương.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tích cực phòng, chống thiên tai, bão lũ, mọi người cần cần tỉnh táo, cẩn trọng trước các thông tin sai lệch, phản động trên không gian mạng. Người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình sử dụng mạng xã hội, không đăng tải và chia sẻ thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, phải kiên quyết lên án những hành vi lợi dụng tình hình thiên tai để xuyên tạc và gây hoang mang dư luận, nhằm phá hoại sự đoàn kết, ổn định của xã hội và nói xấu chế độ./.


Tác giả: Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết