Bác sĩ tự thiết kế xương nhân tạo cứu bệnh nhân ung thư xương
Bác sĩ và kỹ sư Việt Nam tự thiết kế xương nhân tạo để phẫu thuật cứu bệnh nhân ung thư xương cùng lúc ở 2 vị trí cực hiếm gặp
Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec ngày 22-1 cho biết các bác sĩ tại đây đã tiến hành thay thế đồng thời cả xương chậu và một phần xương đùi trong một lần mổ để điều trị căn bệnh ung thư xương rất hiếm gặp cho người bệnh.
Đặc biệt, ca mổ đã sử dụng thiết kế xương nhân tạo mới in 3D do đội ngũ bác sĩ, kỹ sư Việt Nam thiết kế, thử nghiệm qua gần 100 tình huống mô phỏng để đạt độ tối ưu cao nhất, giúp cứu được tính mạng và đẩy nhanh thời gian phục hồi cho người bệnh.
Xương nhân tạo do đội ngũ bác sĩ, kỹ sư Việt Nam thiết kế để điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: V. Quỳnh
Bác sĩ, kỹ sư Việt tự "chế" xương nhân tạo
Bệnh nhân Lê Đình Th. (63 tuổi, ở Thanh Hóa,) bị ung thư xương ở vị trí xương chậu. Khối ung thư đã di căn, xâm lấn ra toàn bộ cấu trúc xung quanh khớp háng gồm xương chậu, bao khớp và đầu trên xương đùi.
Do là bệnh lý phức tạp nên nhiều cơ sở y tế chưa có giải pháp tối ưu, phần lớn đều chỉ định mổ tháo bỏ một bên khung chậu nhằm cứu tính mạng bệnh nhân.
GS-TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Vinmec, cho biết với bệnh nhân này, mấu chốt là sau phẫu thuật triệt căn loại bỏ tổ chức ác tính còn phải tạo hình lại được khuyết hổng xương chậu và xương đùi, giúp người bệnh vận động và đi lại được.
Tuy nhiên, khó khăn nhất là lựa chọn loại vật liệu và cách thức ghép xương nhân tạo như thế nào để tái tạo lại hình thể, chức năng của phần xương ở vùng chịu lực lớn nhất cơ thể sau khi bị cắt bỏ.
Theo GS Dũng, trên thế giới đã có một số ca thay xương chậu 3D in titan được báo cáo. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào thay đồng thời xương chậu và nửa trên xương đùi điều trị ung thư được ghi nhận.
Hình ảnh mô phỏng về mảnh xương ghép cho bệnh nhân
Các giải pháp tạo hình xương khác như: Sử dụng nẹp vít, ghép xương... đều không thể tạo được liên kết sinh học với xương chậu hay không đủ vững chắc để chịu được trọng lực cơ thể, đồng thời khó phục hồi lại các điểm bám gân cơ nên sau mổ khả năng ngồi, đứng hay đi lại là cực kỳ hạn chế.
"Đặt hàng nước ngoài nghiên cứu, chế tạo phải mất ít nhất 2 tháng, trong khi người bệnh cần mổ càng sớm càng tốt để ngăn ngừa khối u tiến triển, xâm lấn. Cách duy nhất là nhóm phẫu thuật viên phải tự thiết kế ra xương nhân tạo cấy ghép cho bệnh nhân"- GS Dũng nói.
Kíp phẫu thuật cùng đội ngũ kỹ sư đã kết cấu mô phỏng hình thái xương chậu với dạng rỗng tổ ong để khối lượng toàn bộ xương nhân tạo nhẹ, chỉ chưa đến 1/2 khối lượng xương thật.
Sản phẩm được gia nhiệt có khả năng chịu tải lực gấp hơn 10 lần xương thật nhưng vẫn đảm bảo độ đàn hồi và bền chắc tương tự khi so sánh với mô xương của thanh niên trưởng thành.
Bệnh nhân bị ung thư xương có chỉ định phẫu thuật.
"Công đoạn sản xuất và nhập mẫu sản phẩm từ nước ngoài này chỉ mất 1 tuần, ít hơn rất nhiều so với thời gian tối thiểu 2 tháng nếu đặt hàng từ nước ngoài. Ca mổ cho bệnh nhân kéo dài 8 tiếng"- GS Dũng thông tin.
Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhân có thể tự mình ngồi dậy vững chắc và sau 10 ngày, một mình tập thành thạo di chuyển bằng nạng với quãng đường lên tới 50 m.
Theo GS Dũng, thời gian hồi phục với bệnh nhân này khi so sánh với một số báo cáo trong nước và quốc tế về thay xương chậu nhân tạo đã rút ngắn chỉ còn 1/3.