Bác sĩ của bạn: Nguy hiểm khi nuốt phải pin cúc áo
Chị Nguyễn Thanh Hằng (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) hỏi: Trẻ nuốt phải pin cúc áo nguy hiểm như thế nào?
Về vấn đề này, bác sĩ Ninh Quốc Đạt, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Hà Nội chia sẻ: Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Hà Nội đã tiếp nhận và cấp cứu thành công cho bệnh nhi V.K.V (4 tuổi, Hà Nội) do nuốt phải pin cúc áo, một loại dị vật cực kỳ nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. May mắn, bố mẹ bệnh nhi phát hiện sớm và kịp thời đưa bé đến bệnh viện. Bệnh nhi được chỉ định chụp X-quang phát hiện dị vật pin mắc ở thực quản ngang mức xương đòn. Khi tiến hành nội soi thì thực quản chu vi xung quanh pin đã loét hết, phía trên và phía dưới dị vật đều phù nề chít hẹp hết đường ra cũng như đường xuống dạ dày. Sau 3 giờ nỗ lực, các bác sĩ đã lấy được dị vật mà không cần can thiệp phẫu thuật mở, giúp bé tránh khỏi nguy cơ thủng thực quản và hồi phục tốt hơn sau can thiệp.
Pin cúc áo không chỉ là một dị vật thông thường mà còn có thể gây tổn thương nặng nề chỉ trong vài giờ đầu. Vì cực âm và cực dương của pin sát nhau, khi nuốt vào trong đường tiêu hóa, gặp nước, dịch nhầy sẽ sinh ra dòng điện, giải phóng nhanh và nhiều hydroxyl radical, tăng nhanh pH, gây ăn mòn mạnh, rất dễ thủng thực quản, thủng lan sang khí quản, động mạch chủ, thủng dạ dày... trường hợp nặng có thể gây tử vong trong vòng 2 giờ. Về lâu dài rất dễ gây sẹo hẹp, rò... đường tiêu hóa. Ở Hoa Kỳ, trung bình hằng năm có 3.000 ca hóc pin cúc áo, nguy hiểm tới mức họ phải thành lập một đường dây nóng chuyên tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu cho loại dị vật này: National Battery Ingestion Hotline (NBIH).
![]() |
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Theo khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội Tiêu hóa, gan mật, dinh dưỡng nhi khoa Bắc Mỹ (NASPGHAN-2019) và Trung tâm Chống độc quốc gia Hoa Kỳ (National Capital Poison Center), khi phát hiện trẻ hóc pin cúc áo thì tuyệt đối không gây nôn, đưa ngay trẻ đến bệnh viện gần nhất có chuyên khoa (có khả năng soi và gắp dị vật). Nếu không biết đưa trẻ đến đâu phải gọi ngay 115 để được hướng dẫn. Trong lúc đưa trẻ đến cơ sở y tế, nên cho trẻ uống mật ong với lưu ý chỉ áp dụng cho trẻ trên 1 tuổi và thời gian nuốt dị vật không quá 12 tiếng. Uống 10 ml/lần (khoảng 2 thìa cafe), 10 phút 1 lần. Tổng không quá 6 lần. Nên nhớ, mật ong chỉ làm chậm tổn thương chứ không thay thế việc nội soi lấy dị vật. Nếu mật ong không sẵn có thì hãy đưa trẻ ngay tới bệnh viện. Nếu có thể mang theo vỏ bao bì của quả pin, hoặc ước lượng kích thước... để cung cấp thông tin cho bác sĩ.
Qua trường hợp trên, cha mẹ cần đặc biệt cẩn trọng với những đồ vật nhỏ bé nhưng tiềm ẩn nguy cơ lớn này. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu nuốt dị vật, hãy liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để trẻ được xử lý kịp thời.
Các thắc mắc về sức khỏe, mời bạn đọc gửi tới Chuyên mục “Bác sĩ của bạn”, Phòng biên tập Kinh tế-Xã hội-Nội chính, Báo Quân đội nhân dân, số 8 Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: kinhte@qdnd.vn; kinhtebqd@gmail.com. Điện thoại: 0243.8456735. |