A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng hệ sinh thái tài chính số toàn diện

Các ngân hàng đang có xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra nhiều sản phẩm tài chính phù hợp nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, đồng thời tinh gọn bộ máy. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn chú trọng việc cung ứng các dịch vụ tài chính toàn diện trong chuỗi lĩnh vực gồm ngân hàng-chứng khoán-bảo hiểm-tài chính tiêu dùng.

Tối đa hóa lợi ích khách hàng

Hệ thống ngân hàng trên thế giới đang xây dựng cho mình một hệ sinh thái tài chính dựa trên liên kết chuỗi giá trị giữa ngân hàng với các doanh nghiệp để phát triển, cung cấp các dịch vụ tài chính, tiền tệ, tiêu dùng cũng như các dịch vụ khác nhằm gia tăng giá trị thặng dư cho khách hàng. Thông qua việc tiếp cận, bao phủ toàn bộ nhu cầu của khách hàng trong hệ sinh thái, các ngân hàng sẽ bảo đảm được nguồn thu từ phí dịch vụ ổn định nhờ có lượng khách hàng trung thành, qua đó giúp ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần và gia tăng lợi nhuận.

Ở Việt Nam, mô hình hệ sinh thái tài chính đã được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) xây dựng thành công với nền tảng vững chắc là 3 ngân hàng (MB, MBCambodia, MBV) và 6 công ty thành viên (MBS-chứng khoán, MBCapital-quản lý quỹ đầu tư, MIC-bảo hiểm, MB Ageas-bảo hiểm nhân thọ, MBAMC-quản lý nợ và khai thác tài sản, Mcredit-tài chính tiêu dùng). Trong đó, trái tim của hệ sinh thái tài chính này chính là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội với tổng tài sản đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, phục vụ hơn 30 triệu khách hàng, lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng... Bên cạnh đó, MB duy trì được các chỉ số tài chính hiệu quả, nổi bật như ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt khoảng 22% và ROA (lợi nhuận trên tài sản) đạt khoảng 2,3%. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng, hệ sinh thái tài chính của MB có đầy đủ dịch vụ tài chính từ chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng, bảo hiểm, quản lý nợ đến tài chính tiêu dùng, nhờ đó đã tạo ra động lực nội sinh đầy đủ và lớn nhất ngành tài chính ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) được tư vấn các dịch vụ tài chính phù hợp, hiệu quả. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Liên quan đến việc ứng dụng AI trong hệ sinh thái tài chính, đại diện MB cho biết, MB triển khai ứng dụng AI từ rất sớm, dưới nhiều hình thức khác nhau và đã bước đầu tạo ra những giá trị quan trọng trong chuỗi vòng đời của khách hàng. Một số thành tựu nổi bật bao gồm: 90% khách hàng được phát triển trên kênh số thông qua ứng dụng eKYC (định danh khách hàng trực tuyến) tích hợp AI, đạt tỷ lệ chính xác rất cao; phê duyệt cấp tín dụng tự động dựa trên các mô hình machine learning và deep learning; tự động hóa quy trình vận hành bằng công nghệ RPA (robotic process automation); ứng dụng AI để tối ưu hóa dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng; AI được ứng dụng hiệu quả trong việc nhận diện, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi gian lận.

Từ đầu năm 2024, MB đã hợp tác với Microsoft để triển khai các ứng dụng AI thế hệ mới (Gen AI), tiêu biểu như: Semantic search-tìm kiếm theo ngữ nghĩa, giúp nâng cao hiệu quả tra cứu thông tin; Document intelligence-tự động trích xuất và xử lý thông tin từ tài liệu, hỗ trợ một số quy trình kinh doanh cốt lõi. Hiện tại, MB đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng và ứng dụng AI trên toàn hệ thống nhằm tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và vận hành.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Nhận thức được vai trò của công nghệ và AI từ sớm, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đặt trọng tâm xây dựng mô hình Ecosystem-một hệ sinh thái số liền mạch và mạnh mẽ nhằm kết nối chặt chẽ các công ty thành viên trong tập đoàn, với hoạt động đa lĩnh vực từ ngân hàng đến tài chính tiêu dùng, chứng khoán, bảo hiểm số và một số nền tảng đa dịch vụ khác. Tất cả công ty thành viên đều lấy công nghệ làm trọng tâm. Trong đó, Cake by VPBank là một ví dụ điển hình. Ngân hàng số không có chi nhánh này ra mắt đầu năm 2021, đến nay chỉ có 250 nhân sự, nhưng phục vụ tới 5 triệu khách hàng, xử lý trung bình 700.000 hồ sơ cấp tín dụng mỗi tháng. Với định hướng chiến lược rõ ràng và xuyên suốt, những "mảnh ghép số" khác của VPBank ngày càng phát triển và đóng góp tích cực cho hệ sinh thái chung. Ứng dụng ngân hàng VPBank NEO thu hút hơn 10 triệu người dùng, xử lý khoảng 600 triệu giao dịch mỗi năm. OPES, công ty bảo hiểm số trong lĩnh vực phi nhân thọ, đạt doanh thu 2.600 tỷ đồng năm 2024 với chỉ 110 nhân sự.

Theo ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, các hệ sinh thái tài chính dựa trên AI không chỉ dự đoán nhu cầu của khách hàng mà còn thúc đẩy bao trùm tài chính, nâng cao quản lý rủi ro và xây dựng mối quan hệ với khách hàng gắn kết hơn. 

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, việc thúc đẩy tài chính toàn diện là nội dung Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất quan tâm. Ngành ngân hàng luôn trăn trở việc làm thế nào để hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, người yếm thế có sự hiểu biết về tài chính và có thể tiếp cận tài chính một cách bình đẳng. Tài chính toàn diện cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tiến tới mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thực tế, các quốc gia đang phát triển muốn bao phủ nhanh và hiệu quả dịch vụ tài chính chính thức, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa các kênh cung ứng dịch vụ tài chính hiện đại.

Trao đổi với chúng tôi, TS Tô Hoài Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm nhân sự, đẩy mạnh chuyển đổi số để tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả. Việc các ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính số hóa sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí khi giao dịch cùng ngân hàng. Thông qua sự đa dạng trong cung ứng các dịch vụ từ hệ sinh thái tài chính của ngân hàng, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được những sản phẩm, dịch vụ đầu tư phù hợp với năng lực của họ, qua đó giúp doanh nghiệp đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng kênh dự phòng tài chính hiệu quả.

Như vậy, việc sớm triển khai hệ sinh thái tài chính cùng với đẩy mạnh ứng dụng AI sẽ giúp các ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn, tiết giảm chi phí vận hành và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, từ đó giúp nâng tầm ngành ngân hàng nước ta lên vị thế cao hơn, đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế.  

NGUYỄN ANH VIỆT


Tags: tài chính
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...