A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tại sao chính quyền Mỹ lại muốn Google bán trình duyệt Chrome?

Sau khi bị tòa án Mỹ tuyên vi phạm luật chống độc quyền trong thị trường tìm kiếm trực tuyến, Google đang đối mặt với yêu cầu từ Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) buộc phải bán trình duyệt Chrome.

Vào tháng 8, Tòa án Liên bang Mỹ do Thẩm phán Amit Mehta chủ trì, phán quyết rằng Google đã chi 26,3 tỷ đô la để trả cho các công ty nhằm biến công cụ tìm kiếm này thành tùy chọn mặc định trên điện thoại thông minh và trình duyệt web, qua đó vi phạm luật chống độc quyền.

tai sao chinh quyen my lai muon google ban trinh duyet chrome hinh 1

Nếu đề xuất buộc bán Chrome được thông qua, những người mua phải trả ít nhất 20 tỷ đô la. Ảnh: Andre M. Chang/Zuma/IMAGO

Theo DoJ, hành vi này của Google không chỉ tước đi các kênh phân phối quan trọng của đối thủ mà còn cản trở các cơ hội đổi mới và cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, DoJ đề xuất buộc Google bán Chrome như một biện pháp "tái cấu trúc" để khôi phục sự cạnh tranh lành mạnh.

Chrome đóng vai trò cốt lõi trong hệ sinh thái của Google. Hiện tại, hơn 60% người dùng trên toàn cầu sử dụng Chrome để thực hiện các tìm kiếm, trong khi công cụ tìm kiếm Google chiếm gần 90% thị phần.

Ngoài việc giữ khách hàng trong hệ sinh thái của mình (như Gmail, Google Drive và các dịch vụ AI như Gemini), Chrome còn là công cụ chính giúp Google thu thập dữ liệu người dùng, từ hành vi tìm kiếm đến các trang web ưa thích. Những dữ liệu này giúp công ty tối ưu hóa quảng cáo, mang lại doanh thu chính.

Năm 2023, Alphabet - công ty mẹ của Google - đạt 230 tỷ đô la từ quảng cáo, chiếm phần lớn trong tổng doanh thu 307 tỷ đô la. 

Phán quyết chống lại Google là một chiến thắng lớn cho các nhà hoạt động chống độc quyền tại Mỹ trong nhiều năm qua.

 

Ulrich Müller, thuộc tổ chức phi lợi nhuận Rebalance Now, ủng hộ việc tách Chrome khỏi Google vì điều này có thể giảm quyền lực quảng cáo của công ty và thúc đẩy cạnh tranh dựa trên chất lượng dịch vụ. Ông cũng cho rằng việc này có thể mở ra cơ hội cho các mô hình kinh doanh mới.

Tuy nhiên, Seebach cảnh báo rằng quá trình pháp lý có thể kéo dài, và công nghệ trình duyệt hay công cụ tìm kiếm hiện tại có thể lỗi thời trước khi phán quyết được thực thi.

Google đã tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết, cho rằng yêu cầu này là một sự "vượt quyền" của chính quyền Mỹ và có thể gây hại cho người tiêu dùng.

Bên cạnh yêu cầu bán Chrome, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang xem xét áp đặt các biện pháp khác liên quan đến trí tuệ nhân tạo và hệ điều hành Android của Google. Đây sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất đối với ngành công nghệ trong nhiều thập kỷ tới.

Việc buộc Google phải bán Chrome, nếu thành công, sẽ đặt ra một tiền lệ quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn. Dù vậy, khả năng xảy ra và tác động thực tế của phán quyết này vẫn là câu hỏi lớn trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.

Cao Phong (theo DW, CNN)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...