ChatGPT làm thế giới mạng phát cuồng vì cứu sống một người: Sự thật là gì?
Hóa ra đằng sau câu chuyện xôn xao thế giới mạng đầy cảm động này lại là một sự thật đắng lòng.
Tuần trước, mạng xã hội Reddit rúng động trước một câu chuyện gây sốc: ChatGPT đã cứu sống một người nhờ chẩn đoán chính xác các triệu chứng sớm của cơn đau tim, giúp nạn nhân kịp thời đến phòng cấp cứu được các bác sĩ điều trị trước khi bệnh trở nặng. Câu chuyện nhanh chóng lan truyền với hơn 50.000 lượt upvote và 2.000 bình luận, trong đó nhiều người chia sẻ về việc họ cũng đang dùng ChatGPT như một nhà trị liệu tâm lý, cố vấn tình cảm hay giải quyết các mối quan hệ độc hại trong gia đình.
Câu chuyện này được người dùng Reddit u/sinebiryan chia sẻ trên subreddit ChatGPT trong bài đăng có tựa đề " ChatGPT saved my life, and I'm still freaking out about it .". Trong khi những thiết bị công nghệ hiện đại đã nhiều lần cứu sống người dùng, đây có thể là lần đầu tiên một chatbot AI như ChatGPT cho thấy sự hữu dụng của mình vượt ra ngoài việc trả lời các câu hỏi nhạt nhẽo, vô vị của người dùng.
Nhưng hóa ra, sự thật phía sau câu chuyện cảm động này lại khiến nhiều người ngã ngửa. Chỉ một thời gian ngắn sau khi bài đăng gây bão, tác giả của câu chuyện –người dùng u/sinebiryan – đã thừa nhận rằng tất cả chỉ là một trò bịp. Hóa ra, chính anh ta đã nhờ ChatGPT viết ra câu chuyện drama kiểu Reddit và đăng lên mạng xã hội này để thử phản ứng của mọi người.
Và như vậy, chỉ bằng một vài câu lệnh, một câu chuyện đã được bịa ra và hơn 50.000 người dùng internet đã bị mắc lừa.
Điều đáng nói là ngay từ đầu, đã có khá nhiều người nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện. Họ chỉ ra những dấu hiệu như việc sử dụng quá nhiều dấu gạch ngang, lối văn dài dòng, cũng như linh cảm rằng "có gì đó không ổn". Một số người còn so sánh phong cách viết của bài đăng với các bài viết khác của u/sinebiryan và kết luận rằng "phong cách viết trong các bài đăng khác hoàn toàn không khớp".
Đây quả là một bài học cay đắng về việc không nên tin tưởng mù quáng vào mọi thứ trên mạng, nhất là khi ngày nay, các văn bản do AI tạo ra đã trở nên vô cùng tinh vi và khó nhận biết.
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng công nghệ AI đang ngày càng tiến bộ và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống con người, bao gồm cả lĩnh vực y tế. Trong tương lai, sự kết hợp giữa AI tiên tiến, dữ liệu sức khỏe từ các thiết bị đeo và thông tin ngữ cảnh từ điện thoại thông minh hoàn toàn có thể giúp phát hiện sớm nhiều nguy cơ sức khỏe.
Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta không nên quá phụ thuộc vào ChatGPT hay bất kỳ công cụ AI nào khác để chẩn đoán y tế. Tương tự như khi tra cứu các triệu chứng trên Google, những thông tin từ ChatGPT không thể thay thế cho ý kiến chuyên môn của các bác sĩ. Thay vào đó, hãy coi chúng như một nguồn tham khảo và luôn tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia y tế khi cần thiết.
Theo Nguyễn Hải