A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạo “vắc xin số” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Báo Đại biểu Nhân dân vừa phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Qua thảo luận, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị cả về pháp lý và thực tiễn để bảo vệ trẻ em.

Khoảng 2/3 trẻ em thường xuyên tiếp xúc với Internet

Thực tế cho thấy, việc tiếp xúc, sử dụng không gian mạng từ sớm giúp trẻ em tìm hiểu những kiến thức phục vụ học tập mở rộng và nâng cao kiến thức, nhưng đồng thời cũng gây nên nhiều hệ lụy khôn lường. Điều đáng nói là nhiều đối tượng đã lợi dụng và sử dụng không gian mạng để lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em làm việc xấu, thậm chí xâm phạm đến tính mạng của trẻ em.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại, trong đó có nguyên nhân từ việc trẻ chưa đủ kiến thức để nhận biết hết được mối nguy hại khi tham gia trên môi trường mạng, từ đó chưa có cách để phòng, tránh, dễ bị lôi kéo để thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật.

Tạo “vắc xin số” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Bên cạnh đó, các em chưa được quan tâm sát sao của gia đình, nhà trường trong việc trang bị những kiến thức khi tham gia môi trường mạng; các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta hiện còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu các cách thức nhận dạng, cảnh báo cho trẻ em về những rủi ro, hệ lụy, hệ quả khi tham gia mạng xã hội.

Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, chúng ta có khoảng 2/3 trẻ em thường xuyên tiếp xúc với internet, thậm chí tiếp xúc hàng ngày.

Ông Tuân cũng chỉ ra 5 nhóm nguy cơ với trẻ khi tiếp xúc với internet. Đó là trên internet, bên cạnh thông tin tích cực cũng có rất nhiều những thông tin tiêu cực mà thông tin tiêu cực hiện nay chưa được kiểm soát tốt; thứ hai là việc phát tán thông tin riêng tư đang rất phổ biến; thứ ba là nghiện mạng xã hội, nghiện game, nghiện internet (khoảng 70 - 80% trẻ em là từ 10 - 15 tuổi chơi game, trong đó có khoảng 10 - 15% là rơi vào tình trạng nghiện game); thứ tư là việc bắt nạt trực tuyến; thứ năm là dụ dỗ, lôi kéo trẻ vào các hành vi như quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, đóng tiền hoặc thậm chí ép tham gia những hành động phi pháp.

Phải tạo ra giải pháp lâu dài

Nhấn mạnh tính hai mặt của không gian mạng, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, phải làm thế nào để có các giải pháp để phát huy tối đa lợi ích của không gian mạng, của internet và hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực của nó.

Ngoài 5 nguy cơ mà ông Nguyễn Đức Tuân đã nêu, ông Đặng Hoa Nam lưu ý, hiện nay trẻ em đã trở thành đối tượng để tội phạm hoạt động trên môi trường mạng lợi dụng, gây ra những hành vi xâm phạm và chiếm đoạt, lừa đảo về mặt kinh tế. Ví dụ như gần đây là các vụ việc lừa đảo như gọi điện đến thông báo về việc con đi cấp cứu, con mua hàng online…

Tạo “vắc xin số” bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Ảnh minh họa.

Theo ông Nam, phải tạo ra giải pháp lâu dài bởi chúng ta đang sống trong một thế giới số, có kinh tế số, xã hội số thì phải có những công dân số, và cần phải tạo “vắc xin số” cho trẻ em, người chưa thành niên nói riêng và người dân nói chung.

“Vắc xin số” này khác với vắc xin miễn dịch khác là không phải tiêm một lần, hai lần, ba mũi, bốn mũi là xong mà là một quá trình tiếp thu, học hỏi; từ kiến thức, từ nhận thức trở thành các kỹ năng ứng xử, kỹ năng ở trên môi trường mạng; từ các hành vi văn hóa cho đến những hành vi cảnh giác như tự bảo vệ mình trên môi trường mạng”, ông Nam nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, hiện nay đang có 5 nhóm giải pháp đang được thực hiện để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đó là các biện pháp về mặt pháp lý, các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai thực hiện những biện pháp về mặt pháp lý trong việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thứ hai là các biện pháp về giáo dục, truyền thông và nâng cao nhận thức, giúp trẻ em có thể tự nhận biết và tự phân biệt được để tự bảo vệ mình. Thứ ba là các giải pháp về kỹ thuật, có thể bao gồm những biện pháp như ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin độc hại, những thông tin xấu, hoặc dán những cảnh báo hạn chế độ tuổi đối với trẻ em… Thứ tư là việc tổ chức mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thứ năm là những biện pháp về hợp tác quốc tế.

Thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho thấy, có 96,9% trẻ em sử dụng mạng Internet. Một số liệu khác của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet. Hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm…Còn theo Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận gần 370.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc gọi được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong số này, có tổng cộng 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tổng cộng, Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý những trường hợp này.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em nói riêng, phòng, chống xâm hại trẻ em của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình, nhà trường ở trong đời thực như thế nào thì tương ứng như vậy ở trên môi trường mạng.

Đồng thời tăng nặng, dùng những chế tài và xử lý đủ răn đe đối với hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; nhấn mạnh đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và thu lợi từ môi trường mạng và chú ý vấn đề phòng ngừa.

Dưới góc độ kỹ thuật, ông Nguyễn Đức Tuân cho biết có những công cụ có thể giúp cha mẹ kiểm tra xem trang web mà trẻ em truy cập vào có mức độ độc hại thế nào, có nên truy cập hay không. “Cần có sự hợp tác của tất cả các thành phần, đặc biệt là những người liên quan trực tiếp đến trẻ em. Thứ nhất là chính trẻ em, cha mẹ và nhà trường. Thứ hai là phải chia sẻ cho trẻ kỹ năng lựa chọn nội dung truy cập.

“Điều tôi vẫn luôn nhấn mạnh từ trước tới nay là công tác bảo vệ trẻ em chỉ có hiệu quả khi có sự hợp tác của tất cả thành phần, đặc biệt là những người liên quan trực tiếp tới trẻ em là chính trẻ em, cha mẹ và nhà trường”, ông Tuân nhấn mạnh.

Đưa ra một số khuyến nghị, Cố vấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Mark Kavenagh nhấn mạnh vai trò của những người làm công tác bảo vệ trẻ em, và cho rằng gia đình chính là hạt nhân cho các giải pháp. Gia đình và cộng đồng cần có được những kiến thức phù hợp để có thể bảo vệ được chính những người thân, con cái của mình trên không gian mạng.

Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...