A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiến nghị kiểm tra việc nợ kinh phí Công đoàn

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Thanh Xuân vừa tổng hợp ý kiến đóng góp của đoàn viên, người lao động tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo của Ban chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVI trình tại Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Phản ánh đầy đủ kết quả công tác Công đoàn

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Thanh Xuân Lê Mạnh Hùng cho biết, các ý kiến đánh giá, bố cục, kết cấu Dự thảo Báo cáo hợp lý, đã phản ánh được đầy đủ về kết quả công tác Công đoàn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và đất nước. Những nhận định, đánh giá kết quả hoạt động Công đoàn mang tính khái quát cao.

Đồng thời, nội dung dự thảo báo cáo đã nêu được những kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân phù hợp với tình hình thực tiễn của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) và tổ chức Công đoàn Thủ đô trong giai đoạn hiện nay, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác của nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Góp ý cụ thể, đa số các ý kiến cho rằng những nhận định tình hình xã hội và đánh giá tình hình CNVCLĐ Thủ đô trong thời gian qua đã nêu được những vấn đề cơ bản và đánh giá đúng tình hình CNVCLĐ Thủ đô. Song cần bổ sung thêm tình hình, điều kiện làm việc của công nhân lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, điều kiện làm việc, công tác an toàn vệ sinh lao động, môi trường, phòng cháy chữa cháy...tiền lương, thu nhập của CNLĐ một số doanh nghiệp còn thấp…

Kiến nghị kiểm tra việc nợ kinh phí Công đoàn
Tại Đại hội lần thứ VI, đoàn viên Công đoàn quận Thanh Xuân đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Báo cáo của Ban chấp hành LĐLĐ thành phố Hà Nội khóa XVI trình Đại hội Công đoàn Thành phố khoá XVII

Cũng theo ông Hùng, về công tác tham gia quản lý, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, các ý kiến cho rằng Báo cáo đã đánh giá toàn diện, nêu bật được công tác đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ…, kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động và các chế độ chính sách liên quan đến người lao động thông qua việc chủ động phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ công chức, viên chức, đối thoại và xây dựng Thỏa ước lao động tập thể; Hỗ trợ tư vấn, khởi kiện giúp người lao động

Bên cạnh đó, các ý kiến nhất trí với đánh giá công tác chăm lo cho đoàn viên và người lao động do Công đoàn tổ chức thực hiện rất hiệu quả, thiết thực. Đặc biệt là số lượng CNVCLĐ được hưởng lợi từ hoạt động chăm lo tăng lên rất nhiều so với trước đây. Công tác tuyên truyền giáo dục đã từng bước đổi mới hình thức, nội dung, góp phần nâng cao giác ngộ giai cấp, nhận thức chính trị cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, kiến thức cho CNVCLĐ.

Một số đơn vị chưa chú trọng đổi mới các phong trào thi đua

Đa số các ý kiến cho rằng phong trào thi đua do Công đoàn phát động và tổ chức thực hiện đã đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ phù hợp với tình hình kinh tế của Thủ đô và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… thu hút đông đảo CNVCLĐ hưởng ứng tham gia. Các ý kiến cho rằng trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới về nội dung thi đua phù hợp với điều kiện, đặc thù các đơn vị sản xuất khu vực ngoài nhà nước.

“Đa số các ý kiến cho rằng chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn và đội ngũ Công đoàn dần được nâng lên, tâm huyết và dám nghĩ, dám làm, chủ động đề xuất các mô hình mới, hiệu quả”, ông Lê Mạnh Hùng cho biết.

Kiến nghị kiểm tra việc nợ kinh phí Công đoàn
Các đại biểu dự Đại hội Công doàn quận Thanh Xuân lần thứ VI

Về công tác tuyên truyền, vận động nữ đoàn viên và người lao động, các ý kiến nhất trí với đánh giá trong báo cáo về kết quả của Công tác nữ công bằng nhiều hình thức linh hoạt đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nữ đoàn viên người lao động và dành nhiều sự quan tâm tới nữ công với nhiều mô hình, dự án, hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo đã đánh giá đầy đủ kết quả công tác kiểm tra, giám sát; công tác tài chính và hoạt động kinh tế; công tác đối ngoại của các cấp Công đoàn Thủ đô. Các cấp Công đoàn Thủ đô đã bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tập trung nâng cao chất lượng thực hiện các quy chế, đổi mới trong chỉ đạo tổ chức thực hiện, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.

Về những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân nêu trong báo cáo chính trị, các ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm nguyên nhân chủ quan là: Vai trò của tổ chức Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động có lúc, có nơi còn hạn chế; Một số đơn vị, CĐCS chưa chú trọng đổi mới các phong trào thi đua cho phù hợp nên hiệu quả của các phong trào thi đua chưa cao, chưa thu hút được đoàn viên Công đoàn tham gia.

Phong trào thi đua nên có trọng tâm, trọng điểm

Góp ý về Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác Công đoàn Thủ đô nhiệm kỳ 2023 - 2028, các ý kiến cho rằng mục tiêu trong dự thảo Báo cáo chính trị đã đầy đủ, rõ ràng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đồng thời, nhất trí với khẩu hiệu hành động: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, vì đã thể hiện rất cụ thể, sát thực và bao quát các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn tới.

Nhất trí với các chỉ tiêu cụ thể, riêng đối với chỉ tiêu “Phấn đấu đến cuối năm 2023, có ít nhất 85% các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được thỏa ước lao động tập thể”, các ý kiến cho rằng chưa phù hợp. Vì việc ký kết thỏa ước không phải quy định bắt buộc theo Luật, chỉ là các doanh nghiệp tự nguyện. Do đó, LĐLĐ Thành phố nên nghiên cứu để giảm tỷ lệ này cho phù hợp với thực tế.

Trong phần nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, các ý kiến đề nghị trong xác định phong trào thi đua nên có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chồng chéo. Lựa chọn phong trào mang tính đặc thù riêng của tổ chức Công đoàn để tạo ra tính khác biệt của tổ chức Công đoàn.

Về công tác nữ công, nên bổ sung thêm phần giải pháp cho công tác này là “duy trì và đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ Nữ công Công đoàn các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tập hợp nữ CNVCLĐ tham gia hoạt động Công đoàn”.

Bổ sung phần Kiến nghị

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị LĐLĐ Hà Nội bổ sung thêm vào Báo cáo phần Kiến nghị của CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn đối với Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Thành phố Hà Nội.

Theo đó, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sửa đổi, bổ sung hướng dẫn số 149/HD- TLĐ về khen thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”. Vì cán bộ Công đoàn theo quy định tại Điều 5 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam là người đảm nhiệm các chức danh từ tổ phó Công đoàn trở lên. Đội ngũ này là những người có nhiều đóng góp cho tổ chức Công đoàn, là hạt nhân trực tiếp để xây dựng phong trào.

Tuy nhiên, trong xét khen thưởng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn" chỉ xét đến các đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, không phù hợp với Điều 43 của Điều lệ - quy định về khen thưởng. Bên cạnh đó, thời gian xét để tặng Kỷ niệm chương đối với Công đoàn khối hành chính sự nghiệp lại quá dài, không phù hợp với thực tế cán bộ CĐCS đều là kiêm nhiệm như hiện nay. Vì vậy không động viên được những người làm công tác Công đoàn.

Đồng thời, đề nghị các Sở, ngành của Thành phố có văn bản chỉ đạo đối với các phòng, ban các quận, huyện khi xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, thuế.... nên đưa nội dung kiểm tra các doanh nghiệp nợ kinh phí Công đoàn 2% và thành lập CĐCS theo quy định.

Phương Thảo


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...