A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất 122 nghìn tỷ đồng cho chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 3/6 báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất vốn đầu tư cho phát triển văn hóa là 122.250 tỷ đồng.

Đề xuất 122.250 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2035

Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Chương trình nhằm cụ thể hoá định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, phấn đấu hoàn thành 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”, việc đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết.

Đề xuất 122 nghìn tỷ đồng cho chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035
Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường sáng ngày 3/6 (Ảnh:media.quochoi.vn)

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất số kinh phí đầu tư cho phát triển văn hóa là 122.250 tỷ đồng cho giai đoạn 2025-2035, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%) và vốn huy động hợp pháp khác, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Đề xuất 122 nghìn tỷ đồng cho chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Ảnh:media.quochoi.vn)

Theo đó, Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Ủy ban nhất trí với tên gọi của Chương trình như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư là “Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035”; Ủy ban nhất trí với 10 nội dung thành phần của Chương trình cũng như tổng mức đầu tư và cho rằng việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng Chương trình.

Bên cạnh đó, còn nhiều ý kiến liên quan đến tổng số vốn dự kiến dành cho Chương trình là khá lớn, tỉ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…

Ủy ban đề nghị làm rõ hơn căn cứ xác định tỉ lệ vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương; làm rõ hơn cơ sở xác định cơ cấu vốn đối ứng từ ngân sách địa phương; đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí vốn ngân sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay.

Đề xuất 122 nghìn tỷ đồng cho chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh:quochoi.vn)

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, Chương trình cần được nghiên cứu, đánh giá toàn diện; chuẩn bị Hồ sơ bảo đảm chất lượng, đồng thời, bố trí thời gian phù hợp để Quốc hội cho ý kiến, thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình tại 2 kỳ họp, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết