A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo quyền tác giả để khơi thông sáng tạo

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là thị trường sôi động nhất phía Nam về các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ… Thời gian qua, bên cạnh việc tuân thủ các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan (QTG, QLQ) vẫn còn nhiều cá nhân, đơn vị vi phạm. Vì thế việc xây dựng môi trường văn hóa sáng tạo gắn với việc đảm bảo QTG, QLQ đang là yêu cầu bức thiết tại địa phương này.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM, trong quá trình thực hiện Quyết định số 88/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ QTG, QLQ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay trên địa bàn thành phố (TP) đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp có chức năng tư vấn dịch vụ QTG, QLQ đã thực hiện việc ký hợp đồng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với bản ghi âm cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có sử dụng các tác phẩm âm nhạc trên mạng thông tin điện tử. Đây là trường hợp tổ chức, cá nhân khác do chủ sở hữu QTG, QLQ ủy quyền để thực hiện bảo vệ QTG, QLQ.

Tuy nhiên, hiện đang diễn ra tình trạng tranh chấp về việc thu phí sử dụng tác phẩm âm nhạc giữa các doanh nghiệp này và các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.

Đảm bảo quyền tác giả để khơi thông sáng tạo
Triển lãm sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM. Ảnh Minh Tuấn

Ngay Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cũng chưa có giám định viên và tổ chức giám định QTG, QLQ nên khi thụ lý đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm, Sở Văn hóa, Thể thao chỉ có thể hướng dẫn gửi đơn yêu cầu giám định tại Trung tâm giám định thuộc Cục Bản quyền tác giả. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính kịp thời của công tác thanh kiểm tra và xử phạt.

Việc thu tiền về QTG đã thực hiện tốt nhưng vẫn còn nhiều hạn chế đối với QLQ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức. Mặt khác, quy định sử dụng khai thác các tác phẩm phái sinh của nước ngoài chưa cụ thể, rõ ràng. Trong thực tế, các đơn vị sản xuất chương trình karaoke sao chép các bản phối khí của các đơn vị khác cũng đang tiềm ẩn nhiều tranh chấp.

Tương tự, một số nơi vẫn còn tình trạng vi phạm bản quyền trong nhiếp ảnh, tệ nạn tranh sao chép, tranh mạo danh trong mỹ thuật chưa đúng quy định pháp luật, công tác lý luận phê bình chưa đạt hiệu quả. Vẫn còn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường vi phạm QTG, QLQ.

Công tác bảo hộ QTG, QLQ trong lĩnh vực thi người đẹp cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc. Một số đơn vị tổ chức cuộc thi người đẹp lên tiếng tranh chấp tên gọi nhưng theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, mỗi địa phương được giao thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp diễn ra trên địa bàn, do đó chỉ có thể quản lý các cuộc thi do địa phương chấp thuận. Đồng thời Nghị định này cũng không điều chỉnh đối với các cuộc thi người đẹp có cùng tên gọi. Vì vậy, cần có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận đối với các cuộc thi có cùng tên gọi.

Đáng chú ý, tình trạng xâm phạm QTG, QLQ đối với các lĩnh vực thuộc ngành văn hóa trên không gian mạng có diễn biến phức tạp. Việc vi phạm QTG trên môi trường số đang gia tăng. Việc truy cập và phổ biến nội dung trực tuyến đã vô tình tạo điều kiện cho các hành vi sao chép, phát tán không phép tác phẩm điện ảnh, âm nhạc,... gây tổn hại nặng nề về mặt tài chính và quyền lợi của các nhà sáng tạo, các nhà sản xuất. Trong khi nhân sự phụ trách công tác này đa phần là cán bộ kiêm nhiệm, phụ trách đồng thời nhiều lĩnh vực nên việc tập trung nghiên cứu và tham mưu còn hạn chế.

Để chấn chỉnh tình trạng nói trên, ngoài việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về QTG, QLQ, TP.HCM sẽ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị để nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, quản lý Nhà nước về quy định QTG, QLQ.

Thành phố sẽ triển khai các giải pháp để đảm bảo QTG, QLQ trong các hoạt động lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, karaoke, vũ trường,... phù hợp với xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi đối với việc bảo vệ bản quyền trong các lĩnh vực, tăng cường hậu kiểm, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Ngoài ra UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan đào tạo và bổ sung đội ngũ chuyên gia, giám định viên QTG, QLQ. Tổ chức các lớp tập huấn pháp luật về QTG, QLQ cho cán bộ, công chức trong ngành và các tổ chức, cá nhân, đồng thời kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý và thực thi về QTG, QLQ.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung liên quan QTG, QLQ tránh tình trạng các tổ chức đại diện thu tiền QTG, rồi tiếp tục thu tiền QLQ gây khó khăn cho doanh nghiệp và bất cập trong công tác quản lý Nhà nước.

Đồng thời, Thành phố cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu bổ sung việc bảo hộ QTG theo Luật Sở hữu trí tuệ và các QLQ trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường; xem đây là một trong những điều kiện để cấp giấy phép hoạt động. Ngoài ra cần có chế tài, mức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm về QTG, QLQ để răn đe, phòng ngừa chung.

Xuân Tình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...