Cơ chế đặc thù cho TPHCM: Kỳ vọng đầu tàu đột phá
Dự kiến ngày 24/6, trước khi bế mạc kỳ họp thứ 5 khoá XV Quốc hội sẽ bấm nút thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về các cơ chế đặc thù cho TPHCM. Chờ đợi các cơ chế mới, lãnh đạo, doanh nghiệp TPHCM gửi gắm nhiều kỳ vọng.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Chuẩn bị tâm thế để cụ thể hóa nghị quyết
Với nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sắp tới, thành phố sẽ thiết kế các cơ chế, chính sách để vừa tháo gỡ một phần những khó khăn, vướng mắc hiện hữu, đồng thời tạo cơ hội thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Nguồn lực đầu tư này đến từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) thành phố, trong nước và kể cả nước ngoài. Từ đó mang lại cơ hội và cạnh tranh của các DN để cùng phát triển.
Bên cạnh đó, TPHCM đề xuất có cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh hơn để thành phố chủ động quyết định, giải quyết các vấn đề nhanh hơn. Đây là hai điểm mấu chốt trong thiết kế các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế TPHCM.
Thành phố đã xây dựng chính sách chuyển đổi số. Tới đây tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược, lộ trình và đặc biệt là phần chính sách cho chuyển đổi xanh. TPHCM đang xây dựng một chiến lược với đội ngũ DN dẫn đầu của thành phố, đồng thời dẫn đầu cả nước. Trong đó có kế hoạch hỗ trợ cho DN đầu tư ra nước ngoài và phát triển chứ không chỉ thu hút DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam…
Với những chủ trương, chính sách được Chính phủ, Trung ương ban hành trong những tháng gần đây, thành phố đang cụ thể hoá và có những chính sách giúp DN vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển. Trước mắt, TPHCM có những chính sách giúp DN xuất khẩu giải quyết vấn đề lãi suất, hàng tồn kho, tiếp cận thị trường, mở thị trường mới… Chúng ta đã gần đến đích. Điều quan trọng là chúng ta cần chuẩn bị tâm thế để cụ thể hoá nghị quyết này nhằm mang lại nhiều cơ hội cho thành phố.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế: Cần nới rộng “chiếc áo quá chật”
Đây là lần đầu tiên Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết gồm 2 nhóm nội dung lớn. Đó là cơ chế phân cấp, phân quyền mở rộng về quản lý nhà nước với 5 lĩnh vực; trong đó có liên quan đến đầu tư, ngân sách, xây dựng, tài nguyên môi trường, tổ chức bộ máy cán bộ công chức cho thành phố Thủ Đức. Một số việc trước đây Chính phủ làm nhưng nay phân cho thành phố tự làm và tự chịu trách nhiệm, Chính phủ giữ vai trò kiểm tra giám sát. Điều này sẽ giảm đi cơ chế xin - cho về công cụ tài chính và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương.
Về chính sách đặc thù, để khai thác nguồn lực cần phải có cơ chế vượt trội trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo… hoặc huy động nguồn lực tài chính về đất đai. Đơn cử như cho phép thành phố mở rộng cơ chế phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tăng đầu tư, trả bằng chính ngân sách nhà nước; cơ chế sử dụng và khai thác có hiệu quả các mặt bằng cả trung ương, cả địa phương trên địa bàn…; hoặc chính sách tăng thu nhập cho cán bộ công chức để tạo động lực làm việc… Đây là những bất cập được Quốc hội cho phép thí điểm trước. Những thí điểm này sẽ tiến tới xây dựng một đạo luật về các đô thị đặc biệt, như đô thị 10 triệu dân ở TPHCM.
Nghị quyết mới phải làm sao giải quyết bài toán đã đề cập suốt 20 năm nay, đó là TPHCM có “chiếc áo quá chật”, không thể lớn được. Với một siêu đô thị hơn 10 triệu dân thì những cơ chế quản lý phải được “may rộng ra”, thành phố mới có thể phát triển được.
Nghị quyết mới có 43 nội dung với 4 nhóm cơ chế, chính sách
Nhóm 1: các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 bao gồm các cơ chế, chính sách kế thừa toàn bộ và các cơ chế, chính sách sửa đổi, bổ sung như: HĐND TP quyết định dự toán ngân sách TP; quyết định phí, lệ phí mới; tăng mức dư nợ vay,…
Nhóm 2: các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác...
Nhóm 3: các cơ chế, chính sách có trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: UBND TP được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp...
Nhóm 4: các cơ chế, chính sách mới, chưa được quy định tại nghị quyết 54, chưa có trong Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác và chưa có trong các dự thảo luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới nhưng rất cần thiết tạo điều kiện thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới như: mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT...
Lần này rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54 là không ngồi chờ nữa mà TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng. Hiện, hàng trăm đề án, chương trình đã chuẩn bị song song với quá trình xây dựng, trình nghị quyết mới. Tôi tin rằng Quốc hội sẽ “bấm nút” triển khai nghị định này trên địa bàn TPHCM. Và chỉ trong tháng 7/2023, HĐND TPHCM sẽ họp để phê duyệt những chương trình dự án đó và đi ngay vào cuộc sống.
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Nam Thái Sơn: Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Cơ chế đặc thù của TPHCM là thu hút đầu tư, trong đó thu hút nguồn lực và chất xám ở ngoài thành phố, từ các tỉnh và cả nước ngoài. Trước đây nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia muốn về TPHCM gặp rất nhiều rào cản liên quan đến chính sách, thì nay thành phố được tự chủ rất nhiều. Với 7 chính sách mà Quốc hội sắp thông qua sẽ tạo sức hút rất lớn cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về chất xám, trí tuệ, sáng tạo... Các chính sách đặc thù sẽ hút nguồn lực nội tại của TPHCM và từ các nơi khác đến thành phố để khởi nghiệp chứ không chỉ lập nghiệp. Đặc biệt, các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia đầu ngành, những nhà đầu tư tài chính lớn cũng được mời gọi đến siêu đô thị 10 triệu dân với những chính sách riêng.
Hiện nay, công nghệ thấp và trung bình không còn phù hợp với TPHCM nữa mà cần thu hút những nhà đầu tư lớn như y tế, năng lượng sạch… tái cấu trúc mới cho nền công nghiệp của thành phố. Đã đến lúc thành phố phải tự cải cách để chào đón, hợp tác với các nhà đầu tư này. Tôi nghĩ rằng DN TPHCM hiện tại đã bắt đầu chuyển mình qua một giai đoạn mới mang tính tái cấu trúc, chờ đón những nhà đầu tư mới mang tính chất dịch vụ cao, công nghệ cao.
Cơ chế đặc thù cho TPHCM lần này sẽ tạo ra cái nhìn khác hơn từ những nhà nhập khẩu nước ngoài, những thị trường lớn đối với thành phố, tạo cú hích rất lớn cho người xuất khẩu. Khi đó, sức mua cũng như thị trường nước ngoài sẽ có những thay đổi tích cực. Bản thân DN sẽ có những thay đổi trong quý 3, quý 4 năm nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng thay đổi nhiều nhất là sẽ vào năm 2024.
Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty TNHH XD-TM Lê Thành: “Cởi trói” pháp lý cho nhà ở xã hội
Nền kinh tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang bị chậm lại. Riêng trong lĩnh vực bất động sản, các DN còn vô cùng khó khăn, cộng với tâm lý e dè của người dân đối với ngành này càng làm cho thị trường thêm ảm đạm. Vấn đề hiện tại là các DN không còn sản phẩm phù hợp cho người tiêu dùng thật. Trong khi đó, lãi suất 14% khiến nhiều người có ý định vay mua nhà càng thêm khó khăn.
Khi TPHCM được thông qua cơ chế đặc thù, tôi rất kỳ vọng nghị quyết mới sẽ giúp tháo gỡ phần nào cho lĩnh vực bất động sản để thành phố giải quyết những rào cản, vướng mắc đang bị kẹt lâu nay. Từ đó đẩy nhanh được tiến độ, những vấn đề pháp lý bị vướng, giúp cho ngành phát triển trở lại. Đặc biệt nghị quyết mới có quy định riêng giải quyết những vướng mắc về nhà ở xã hội. Khi nghị quyết được thông qua, bản thân TPHCM sẽ có được cơ chế giải quyết thoáng hơn cho nhà ở xã hội và sẽ đẩy nhanh pháp lý cho lĩnh vực nhà ở xã hội.
Với tiến độ và sự quyết liệt trong thực hiện các chính sách mới, hy vọng cuối năm 2023, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu khởi sắc. Tôi tin rằng trong quý I, quý II/2024, với việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và một số vấn đề pháp luật liên quan đến vướng mắc của bất động sản được tháo gỡ thì thị trường dần dần sẽ phục hồi.
Theo Uyên Phương - Ngô Tùng