A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn bất cập

Để bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động, những bất cập xung quanh loại hình bảo hiểm này cần sớm được giải quyết.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động (NLĐ). Đáng chú ý, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một trong những ưu tiên sửa đổi của dự thảo.

Không còn phù hợp

BHTN được xem là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Nhiều năm qua, BHTN đã góp phần ổn định cuộc sống cho NLĐ khi mất việc làm, đồng thời cũng giúp nhiều người tái hòa nhập thị trường lao động. Tuy nhiên, chính sách BHTN hiện nay không còn phù hợp với tình hình mới, trong quá trình thực hiện các quy định đã bộc lộ nhiều bất cập.

Chị Hồ Thị Sương (43 tuổi, ở Tây Ninh) rất bức xúc khi không được hưởng BHTN dù đã đóng hơn 5 năm. Chị vốn là công nhân (CN) một công ty sản xuất đồ gỗ tại địa phương, mất việc vào cuối năm 2022 do doanh nghiệp (DN) hết đơn hàng. Do công ty nợ BHXH nên đến giữa tháng 3-2024, chị mới chốt được sổ BHXH. Sau đó, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp (TCTN).

Long An tổ chức hội nghị tuyên truyền về BHXH cho công nhân Công ty TNHH Givi Việt Nam (KCN Tân Đức, huyện Đức Hòa)

Long An tổ chức hội nghị tuyên truyền về BHXH cho công nhân Công ty TNHH Givi Việt Nam (KCN Tân Đức, huyện Đức Hòa)

"Khi làm thủ tục hưởng BHTN thì tôi được trả lời là quá hạn, không đủ điều kiện có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hay hợp đồng làm việc đã đóng BHTN. Lỗi hoàn toàn thuộc về DN nhưng NLĐ phải gánh chịu" - chị Sương bức xúc.

Tương tự, ông Hà Đức Phú (46 tuổi, quê Ninh Thuận) cũng không được hưởng TCTN dù tham gia BHXH đã 14 năm. Ông làm CN cơ khí cho một DN tại quận Tân Phú, TP HCM từ năm 2008 và nghỉ việc vào tháng 9-2023.

Sau khi nghỉ việc, ông Phú về quê. Cuộc sống khó khăn nên ông lại quay vào TP HCM tìm việc. Biết ông đã đóng BHXH từ lâu nên bạn bè bảo đi xin hưởng BHTN. Song, ông bị từ chối vì quá thời hạn làm thủ tục (trong vòng 3 tháng sau khi nghỉ việc).

Một trường hợp khác là anh Đỗ Ngọc Tuấn (33 tuổi, quê Bến Tre). Anh vào làm việc cho một công ty ở quận 7, TP HCM từ năm 2015 với vai trò nhân viên thi công quảng cáo. Đến cuối năm 2023, do sức khỏe không bảo đảm nên anh xin được chuyển công việc khác.

"Tôi đi khám và được bác sĩ khuyến cáo không được làm việc nặng, làm việc ngoài trời nắng nóng. Tôi có nguyện vọng làm văn phòng hoặc bảo vệ nhưng không được chấp nhận. Quá bức xúc và lo cho sức khỏe nên tôi đã tự ý bỏ việc" - anh Tuấn kể.

Vì vậy, khi làm BHTN, anh Tuấn không được chấp nhận hưởng TCTN do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Anh giãi bày: "Đây không hẳn là lỗi của tôi nhưng việc DN từ chối giải quyết nguyện vọng chuyển đổi công việc của NLĐ thì giải quyết ra sao?".

Tăng diện bao phủ, hỗ trợ

Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc khắc phục những bất cập, đưa ra các giải pháp thích hợp là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm quyền được tham gia BHTN và những chính sách đi kèm của loại hình bảo hiểm này để NLĐ có "điểm tựa" vững chắc trong cuộc sống.

Bộ LĐ-TB-XH cho biết số người tham gia BHTN tăng qua các năm, bình quân tăng khoảng trên 6%/năm. Tính đến cuối năm 2023, số người tham gia BHTN chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do đó, để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN là một thách thức lớn.

Theo quy định hiện hành, đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết những người có quan hệ lao động; chưa quy định NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHTN. Trong khi đó, đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Mặt khác, BHTN cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương.

Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung những đối tượng trên tham gia BHTN trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để sớm trình Chính phủ. Theo dự thảo đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến, NLĐ sẽ được hưởng 5 chế độ BHTN. Cụ thể, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ NLĐ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hỗ trợ người sử dụng lao động khi dùng NLĐ là người khuyết tật.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động. Theo đề xuất mới, với NLĐ đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng cho BHTN, người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của NLĐ đang tham gia BHTN, thì nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm. 

Lao động xin hưởng TCTN tăng

BHXH Việt Nam cho biết tính đến tháng 2-2024, tổng số người tham gia BHXH trên cả nước khoảng 17,69 triệu, giảm hơn nửa triệu người so với cuối năm 2023.

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), trong năm 2023, số lao động đến nộp hồ sơ hưởng TCTN là 1.104.217 người, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng số lao động có quyết định hưởng TCTN là 1.068.477 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.355.621 lượt, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Trung Nam


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...