Quảng Trị: Nỗi lo nước sạch
Hàng nghìn hộ dân nông thôn chật vật với nước sinh hoạt trong khi hàng chục công trình cấp nước tiền tỷ bỏ hoang. Không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn đặt ra thực trạng về chất lượng nước mà người dân đang sử dụng.
Tại những vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị thì nước sạch vẫn là nỗi lo thường trực. Ảnh: Minh Tân
Dọc theo những bản làng từ các sườn đồi heo hút ở huyện Hướng Hóa có thể bắt gặp những bể chứa nước rêu phong, hư hỏng, hệ thống ống dẫn nước gãy đổ hoặc rỉ sét. Những công trình từng được đầu tư hàng tỷ đồng nay chỉ còn là chứng tích của kỳ vọng dang dở.
Theo thống kê, toàn huyện Hướng Hóa có 54 công trình cấp nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, chỉ có 3 công trình được đánh giá hoạt động bền vững và 21 công trình hoạt động tương đối bền vững. Đáng lo ngại, có 5 công trình hoạt động kém bền vững có nghĩa khi có, khi không và có tới 25 công trình – gần một nửa các công trình nước sạch nông thôn đã dừng hoạt động hoàn toàn và được kiến nghị thanh lý.
Con số ấy đồng nghĩa với việc hàng nghìn hộ dân đang phải vật lộn để có nước sạch sinh hoạt mỗi ngày. Chỉ khoảng 36% hộ dân nông thôn Hướng Hóa, tương đương 6.010/16.696 hộ – tiếp cận được nước sạch từ công trình tập trung hoặc quy mô hộ gia đình.
Còn lại, là những hộ sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung và công trình cấp nước quy mô hộ gia đình. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều nơi người dân phải dùng nước suối đục, giếng khoan nhiễm phèn để nấu ăn, tắm rửa.
“Bể nước này xây từ hồi tôi còn trẻ, mười mấy năm qua nó cũng không còn dùng được nữa. Trước mưa còn hứng được nước, giờ mùa hạn thì… lo mà gùi nước suối, nước sông về thôi,” bà Hồ Thị N., người dân xã Hướng Lộc thở dài.
Lý giải cho tình trạng này, chính quyền địa phương cho biết phần lớn các công trình nước sạch ở Hướng Hóa được xây dựng từ trước năm 2010, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng do thiếu bảo trì, thiếu kinh phí và tác động từ khí hậu.

Sau trận lũ lịch sử năm 2020 đã khiến nhiều hệ thống nước tự chảy bị vùi lấp. Ảnh: Minh Tân
Đặc biệt, trận lũ lịch sử năm 2020 càng khiến nhiều hệ thống nước tự chảy bị vùi lấp, khe suối cạn kiệt. Việc quản lý dựa vào cộng đồng cũng gặp nhiều hạn chế khi thiếu người chịu trách nhiệm cụ thể và không có nguồn tài chính ổn định để duy tu, sửa chữa.
Thậm chí, không ít xã không thể lập hồ sơ thanh lý công trình vì thiếu bản vẽ thiết kế gốc, thiếu đánh giá kết cấu tài sản, trong khi đội ngũ vận hành chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chuyên môn kỹ thuật.
Thực trạng các công trình nước sạch nông thôn chỉ là một lát cắt nhỏ trong thực trạng chung của tỉnh Quảng Trị. Theo Bộ chỉ số Theo dõi – Đánh giá nước sạch nông thôn năm 2024 do UBND tỉnh Quảng Trị công bố, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở tỉnh đạt 97% (tương đương 118.821 hộ). Song chỉ có 67,96% hộ (khoảng 83.254 hộ) thực sự tiếp cận được nước sạch đạt quy chuẩn theo Bộ Y tế.
Đặc biệt, chỉ 29,58% hộ được cấp nước từ công trình tập trung, còn lại phần lớn phải tự xử lý tại nhà, thế nhưng chất lượng nước có đảm bảo hay không người dân cũng không thể nắm rõ. “Không phải cứ nước trong là sạch. Nhiều hộ vẫn dùng giếng đào, giếng khoan và lọc sơ qua nhưng nếu không xét nghiệm, rất khó nói có đảm bảo vệ sinh hay không,” ông Trần Văn N., một người dân ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông lo lắng.
Điều này càng lo lắng hơn đối với nhóm hộ nghèo, bởi trong tổng số 11.276 hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Trị, chỉ 17,71% được tiếp cận nước sạch đạt quy chuẩn. Chỉ 10,57% số này được cấp nước từ hệ thống tập trung được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo chất lượng nước đồng đều.

Một bồn chứa nước của người dân huyện Hướng Hóa được lấy từ nguồn nước tự chảy, không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào. Ảnh: Minh Tân
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 151 công trình cấp nước tập trung có tổ chức quản lý, khai thác hoạt động bền vững. Tuy nhiên, chỉ 45 công trình (29,8%) hoạt động bền vững, 37 công trình (24,5%) hoạt động tương đối bền vững, 49 công trình (32,45%) hoạt động kém bền vững và 20 công trình (13,25%) đã dừng hoạt động hoàn toàn.
Như vậy, gần một nửa số công trình cấp nước không đáp ứng đúng chức năng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư và khiến người dân quay lại sử dụng nguồn nước chưa thực sự đảm bảo và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật.
Chất lượng nước đã thấp, thì lượng nước cũng không khá hơn. Chỉ số cấp nước bình quân đầu người ở Quảng Trị hiện là 71 lít/ngày đêm, thấp hơn mức khuyến nghị 80 –100 lít/ngày đêm. Điều này cho thấy người dân đang phải dè sẻn trong từng xô nước, nhất là vào mùa khô.
Trước tình trạng trên, các địa phương trong tỉnh đã đề xuất nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, ngắn hạn, các xã sẽ tổ chức kiểm tra, khắc phục hư hỏng nhỏ như sửa ống, nạo vét đập dâng, vệ sinh hệ thống lọc. Một số địa phương kêu gọi các tổ chức phi chính phủ, xã hội hóa nguồn lực để xây dựng bể lọc nước tạm thời hoặc giếng khoan.
Về dài hạn, tỉnh định hướng phân loại lại các công trình: Công trình còn khả năng sẽ được nâng cấp, công trình mất nguồn nước sẽ được thanh lý. Thay vào đó là các mô hình phù hợp hơn như giếng cụm hộ, bể chứa nước mưa hoặc hệ thống cấp nước kết hợp thủy lợi nhỏ.
Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh và các sở ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn thanh lý công trình không còn hiệu quả, tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở, nâng cao năng lực quản lý và ý thức sử dụng nước sạch trong cộng đồng.
Với bộ chỉ số công bố năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp bách cho địa phương này về việc xây dựng chiến lược đầu tư công trình cấp nước tập trung hiệu quả, lâu dài, đồng thời phải có chính sách hỗ trợ cụ thể cho hộ nghèo trong việc tiếp cận nước sạch.