A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗi lo quà vặt bủa vây cổng trường

Lâu nay, những loại thực phẩm bày bán ở hàng rong trước cổng trường vẫn luôn là mối lo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến quà vặt cổng trường xảy ra liên tiếp gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian gần đây khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng cho sức khỏe của thế hệ tương lai.

Liên tiếp ngộ độc thực phẩm do quà vặt

Chỉ trong vòng một tháng, tại thành phố Nha Trang ghi nhận liên tiếp 4 vụ nghi ngộ độc thực phẩm do ăn ở các quán ăn, gánh hàng rong lề đường cạnh cổng trường học. Trong đó 2 vụ xảy ra tại thành phố Nha Trang và một vụ tại thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) khiến hàng chục học sinh phải nhập viện.

Trước đó, 28 học sinh trường THCS Tân Châu (xã Tân Châu, huyện Di Linh, Lâm Đồng) cũng phải nhập viện sau khi ăn một loại kẹo “lạ” mua gần cổng trường. Sau khi cùng nhau ăn kẹo, các em có chung triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi nên phải nhập viện theo dõi sức khỏe.

Học sinh thường có thói quen ăn vặt tại các cửa hàng gần cổng trường học

Học sinh thường có thói quen ăn vặt tại các cửa hàng gần cổng trường học

Những vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì tại Quảng Trị cũng vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 23 học sinh xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đau đầu, khó thở vì trong bình nước xuất hiện chất lạ.

Trong những năm qua, những vụ ngộ độc tập thể liên quan đến đồ ăn vặt cổng trường, hàng rong vỉa hè vẫn xảy ra dù đã có nhiều cảnh báo về sự mất an toàn thực phẩm của các loại thức ăn đường phố. Đối với lứa tuổi học sinh, ăn quà vặt cổng trường cũng trở thành thói quen khó bỏ.

Bủa vây cổng trường là hàng trăm các loại thức ăn đường phố hấp dẫn như cánh gà rán, xúc xích, bánh kẹo, bim bim… với mức giá siêu rẻ.

Thực tế cho thấy, học sinh đã được các giáo viên nhắc nhở về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, phụ huynh cũng nhận thức rất rõ nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các loại quà vặt bán tràn lan tại cổng trường.

Không ít phụ huynh vẫn tặc lưỡi cho rằng đấy chỉ là chuyện “vặt” cho đến khi những sự việc đáng tiếc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con em mình xảy ra.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ kiểm tra cửa hàng ăn vặt gần cổng trường học

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ kiểm tra cửa hàng ăn vặt gần cổng trường học

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, thực phẩm siêu rẻ bán tại các hàng rong cổng trường đa phần những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến đúng quy cách sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở… các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài. Chúng có thể gây ra các bệnh mạn tính như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường…

Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Đặc biệt, những chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong thực phẩm không nguồn gốc sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Thậm chí, nhiều vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện xuất hiện tình trạng nhiều loại ma túy nguy hiểm bị trà trộn vào các loại đồ uống, bánh kẹo cho giới trẻ nên nhiều học sinh vô tình ăn phải gây ngộ độc.

Mô hình thí điểm

Trước các sự cố mất an toàn ngộ độc thực phẩm nói trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu các đơn vị trong ngành Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát an toàn thực phẩm tại khu vực trường học; phối hợp các cơ quan chính quyền và cơ quan chức năng ngành Giáo dục và Đào tạo tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực trường học (bếp ăn trường học, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, các đối tượng, cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học).

Mới đây, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) trở thành đơn vị đầu tiên trên toàn quốc triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm trước cổng trường học.

Theo đó, đối tượng áp dụng mô hình nêu trên là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học, gồm: Nhà hàng, cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín, hàng rong…

Phạm vi triển khai mô hình tại phường Hàng Trống là khu vực xung quanh các trường: Tiểu học Trần Quốc Toản, Tiểu học Tràng An, Mầm non Tháng Tám, THCS Hoàn Kiếm; toàn bộ phố Nhà Chung, phố Nhà Thờ, phố Lý Quốc Sư; quảng trường trước Nhà thờ Lớn; đoạn phố Quang Trung đối diện vườn hoa Tây Sơn.

Tại phường Tràng Tiền có khu vực xung quanh trường THPT Trần Phú; toàn bộ ngõ Tràng Tiền; đoạn từ phố Nguyễn Khắc Cần đến phố Phan Chu Trinh; đoạn từ phố Hai Bà Trưng đến ngõ Tràng Tiền; đoạn từ phố Hai Bà Trưng đến ngõ Tràng Tiền.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, với việc triển khai mô hình trên, quận đặt ra mục tiêu tăng cường công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng nâng cao nhận thức của học sinh và cha mẹ học sinh đối với an toàn thực phẩm thông qua việc lựa chọn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đủ điều kiện an toàn.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, đây là mô hình mới, được các tỉnh, thành phố quan tâm. Do đó, ông Phong hy vọng, sau khi quận Hoàn Kiếm triển khai mô hình thành công, sẽ có đánh giá, đề xuất nhân rộng đối với các quận, huyện khác.

Ngoài ra, các nhà trường cần nâng cao trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường, ban phụ huynh học sinh trong công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học.

Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe con em mình, hạn chế việc để con em mình sử dụng đồ ăn, quà vặt không rõ nguồn gốc bày bán trước cổng trường.

Thay vào đó, cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh để chế biến cho con em ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ sử dụng trong giờ nghỉ.

Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các cổng trường phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.

Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giải tỏa những hàng quán không đủ điều kiện bày bán trước cổng trường; kiểm soát chất lượng đồ ăn vặt bằng cách test nhanh và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và có chế tài xử phạt nghiêm minh đủ sức mạnh để răn đe những người vi phạm.

Sự chung tay từ cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình, cộng đồng sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe của các em học sinh và ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm trong tương lai. Ngành Y tế và ngành giáo dục cần hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn đề này một cách triệt để và đảm bảo an toàn cho các em học sinh trong trường học.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết