Nhiều vụ việc gây bức xúc, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý
Theo Chính phủ, nhiều vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự.
Các cơ quan hành chính đã giải quyết 20.317 vụ việc khiếu nại, tố cáo
Sáng 26/9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng |
Theo báo cáo của Chính phủ, về kết quả tiếp công dân, các cơ quan hành chính đã tiếp 255.988 lượt người về 206.382 vụ việc, có 2.024 đoàn đông người; Tòa án nhân dân các cấp đã tiếp 430 lượt người về 380 vụ việc; Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã tiếp 07 lượt người; Kiểm toán nhà nước không có công dân đến khiếu nại, tố cáo.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính đã xử lý 327.677/334.878 đơn tiếp nhận; có 256.550 đơn đủ điều kiện xử lý, trong đó có 38.929 đơn khiếu nại, 20.409 đơn tố cáo; có 24.969 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Tòa án nhân dân các cấp xử lý 159/159 đơn, có 73 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã xử lý 86/107 đơn, có 5 việc tố cáo thuộc thẩm quyền; Kiểm toán nhà nước đã xử lý 67/67 đơn; không có vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính đã giải quyết 20.317 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 81,4% (14.616 vụ việc khiếu nại, 80,2% và 5.660 vụ việc tố cáo, 84,6%); Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 71/73 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (7/7 vụ việc khiếu nại và 64/66 vụ việc tố cáo).
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã giải quyết 5/5 vụ việc tố cáo, không có vụ việc khiếu nại; Kiểm toán nhà nước đã giải quyết 10/10 vụ việc tố cáo, không có vụ việc khiếu nại...
Năm 2024, trong bối cảnh đất nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo, các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và nhà nước, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong công tác tiếp công dân, người đứng đầu các cấp, các ngành đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tiếp công dân và thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; qua đó, nhiều vụ việc gây bức xúc trong Nhân dân, được dư luận quan tâm đã được rà soát, xử lý, giải quyết, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự của địa phương và cả nước.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Công tác phối hợp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng chặt chẽ, phát huy hiệu quả.
Người đứng đầu các cấp, ngành thực hiện tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, báo cáo số 442/BC-CP của Chính phủ đã tích hợp, cơ bản phản ánh đầy đủ kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước và của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước năm 2024, đánh giá khá toàn diện những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Điểm nổi bật của Báo cáo năm nay là Chính phủ và các cơ quan đã thực hiện thời gian tổng hợp số liệu xây dựng báo cáo từ ngày 1/10 của năm trước đến hết ngày 30/9 của năm báo cáo theo đúng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm đồng bộ với các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách, hoạt động tư pháp...
Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đã nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân với những đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tuy nhiên, so với năm 2023 (đủ 12 tháng), số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng rất mạnh (bằng 229%); ngược lại, số đoàn đông người đến các Bộ, ngành lại giảm mạnh (giảm 55%), đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của tình hình này để có giải pháp phù hợp xử lý, khắc phục.
Về ưu điểm trong việc chấp hành pháp luật về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, Chính phủ nhận định người đứng đầu các cấp, các ngành thực hiện ngày càng tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân theo quy định...
Tuy nhiên, theo số liệu trong Báo cáo cho thấy, tình trạng Thủ trưởng cơ quan ủy quyền tiếp công dân tại Bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều; đồng thời, do còn thiếu số liệu của nhiều địa phương nên chưa có đầy đủ cơ sở so sánh với năm 2023 để chứng minh thuyết phục, đầy đủ cho nhận định, đánh giá nêu trên.
Về công tác tiếp công dân của các cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, số lượng công dân trực tiếp đến kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành chính không nhiều và đều không có đoàn đông người; tại Kiểm toán nhà nước không ghi nhận trường hợp nào công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Đối với Tòa án nhân dân, mặc dù số lượng tiếp công dân không nhiều, nhưng so với năm 2023 thì lại tăng đáng kể (tăng 33,8% về lượt người và 50,2% về vụ việc).
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, ông Hoàng Thanh Tùng nêu, qua báo cáo cho thấy, số đơn có đủ điều kiện xử lý năm 2024 ở Bộ, ngành là 52,1%, ở Thanh tra Chính phủ là 34,4%, ở 45/63 địa phương là 85,1%. Đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số đơn không đủ điều kiện xử lý ở các Bộ, ngành trung ương, đặc biệt là ở Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ cao hơn nhiều so với ở địa phương để có giải pháp xử lý, khắc phục phù hợp.
Đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Kiểm toán nhà nước, do đặc thù nên số đơn kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành chính thuộc trách nhiệm xử lý không nhiều. Số đơn đủ điều kiện xử lý của Viện kiểm sát nhân dân là 80,4%, của Tòa án nhân dân là 46% và của Kiểm toán nhà nước là 6%.
Về kết quả giải quyết khiếu nại, năm 2024, cơ quan hành chính nhà nước các cấp giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền đạt tỷ lệ 80,2%, chưa đạt mục tiêu 85% mà Chính phủ đề ra trong Báo cáo năm 2023; đặc biệt, ở các địa phương tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 76,8%, do đó đòi hỏi các cơ quan nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đáp ứng mục tiêu “giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở”.
Bên cạnh đó, kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu cho thấy, số khiếu nại có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 18%, đồng nghĩa với tỷ lệ giải quyết công việc có sai sót còn khá cao từ phía các cơ quan quan nhà nước.
Đối với kết quả giải quyết khiếu nại lần thứ hai, có 14,4% vụ việc phải hủy, sửa quyết định giải quyết lần đầu, giảm 3% so với năm 2023, cho thấy chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu của các cơ quan nhà nước có chuyển biến tích cực.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao chất lượng hoạt động công vụ của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước, nhất là của Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước trong kỳ báo cáo không để phát sinh vụ việc khiếu nại về hành chính thuộc thẩm quyền.