A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày tri ân dịp 27/7

Những ngày này, nhiều di tích, bảo tàng trên địa bàn Thành phố đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm nhằm tuyên truyền sâu rộng tới người dân, đặc biệt là giới trẻ về ý nghĩa lịch sử và giá trị nhân văn của Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7, nêu cao truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ và những người có công với đất nước.

Tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang diễn ra Trưng bày “Cung trầm Tháng 7”. Không gian trưng bày là câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ yêu nước, cách mạng khi bị địch bắt, giam trong ngục Hỏa Lò. Không gian trưng bày được thể hiện với hai màu chủ đạo: Đen và đỏ. Trung tâm trưng bày được thiết kế thành một đài sen với ngọn nến tri ân luôn cháy sáng, thể hiện lòng biết ơn đời đời của thế hệ hôm nay đến các anh hùng, liệt sĩ - những người đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân và tính mệnh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhiều hoạt động triển lãm, trưng bày tri ân dịp 27/7
Các đại biểu nghe thuyết minh kết hợp xem hoạt hoạt cảnh tại Trưng bày “Cung trầm Tháng 7” ở Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trưng bày gồm ba nội dung chính: “Khát vọng non sông”, “Dưới ngọn cờ hồng” và “Mãi mãi khắc ghi”. “Khát vọng non sông” khắc họa những câu chuyện về gương hy sinh lẫm liệt của các chiến sỹ yêu nước khi bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò đầu thế kỷ 20. Trước những trận đòn tra tấn thấu xương, hay cả khi cái chết cận kề, người chiến sỹ vẫn không hề run sợ. “Dù thất bại vẫn anh hùng”, sự hy sinh của các chiến sỹ đã gióng lên “Tiếng chuông gọi tỉnh hồn nước”, thể hiện khát vọng độc lập cháy bỏng cho non sông Việt Nam.

Nội dung thứ hai “Dưới ngọn cờ hồng” giới thiệu gương mặt những chiến sĩ ưu tú bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò và bất khuất hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Cuối cùng là nội dung “Mãi mãi khắc ghi” thể hiện các hoạt động tri ân luôn được duy trì và coi trọng trong thời gian qua. Đó là trách nhiệm, tình cảm và nét đẹp nhân văn của dân tộc Việt Nam. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chăm lo cho các các gia đình thương binh liệt sĩ và các bác cựu tù chính trị.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Từ năm 2017, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò và các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà tri ân các cựu tù chính trị bị đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn. Càng trân trọng và tự hào về lịch sử bao nhiêu, chúng ta càng ý thức sâu sắc rằng, nền độc lập tự do, hòa bình, thống nhất của hôm nay phải đổi bằng máu xương, tuổi xuân, hạnh phúc của biết bao thế hệ. Thắp lửa tri ân công lao của các thế hệ đi trước là điều thế hệ hôm nay phải luôn ghi lòng, tạc dạ”.

Tại Buổi ra mắt trưng bày, quý vị đại biểu đã làm lễ dâng hương tưởng niệm các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh tại Đài tưởng niệm; nghe thuyết minh kết hợp xem hoạt cảnh về cuộc đấu tranh đòi tăng lượng nước sinh hoạt của các tù chính trị cạnh nhà tắm tập thể được phục dựng và hoạt cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong xà lim tử hình của Nhà tù Hỏa Lò. Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt còn gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm xưa, như: Bác Nguyễn Tiến Hà, bác Dương Tự Minh, bác Hoàng Quân Tạo… Trưng bày diễn ra từ ngày 20/7 và kéo dài đến hết ngày 31/10/2022.

Tương tự, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ba Đình, Hà Nội) cũng phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Triển lãm “Còn mãi với thời gian”. Triển lãm giới thiệu tới công chúng 69 tác phẩm mỹ thuật của 62 tác giả được lựa chọn trong sưu tập của hai Bảo tàng. Với sự đa dạng về bút pháp, thể loại và chất liệu, triển lãm “Còn mãi với thời gian” mong muốn đưa người xem hồi tưởng về một thời quá khứ hào hùng đã qua nhưng mãi được trân trọng và ghi nhớ.

Đến với triển lãm, công chúng sẽ thấy những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, những ký ức không quên về các cuộc chiến tranh đã qua và tình cảm, lòng tri ân đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng, những dân quân, y sĩ, bác sĩ và rất nhiều những tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Tổ quốc đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, đất Mẹ luôn dang tay đón các anh trở về, các anh còn sống mãi trong trái tim người dân Việt Nam. Triển lãm mở cửa từ ngày 20 đến hết ngày 29/7.

Còn tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hai Bà Trưng, Hà Nội), trong thời gian từ 24-27/7 cũng diễn ra Triển lãm “75 năm đền ơn đáp nghĩa”. Triển lãm bao gồm 2 khu: Khu triển lãm chung trưng bày các nội dung “Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”; “Một số hoạt động trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng trong những năm vừa qua”; Trưng bày sách, các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sĩ, gia đình cách mạng và người có công; Triển lãm tranh cổ động “Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/1947-27/7/2022”.

Nội dung thứ 2 là khu vực trưng bày “Toàn xã hội với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” với các triển lãm: “Công an nhân dân – 75 năm đền ơn đáp nghĩa”; “Sáng ngời đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”; “Hà Nội – 75 năm trọn vẹn nghĩa tình”./.

Phương Bùi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...