A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà ở công nhân…

Nhà ở công nhân không chỉ là vấn đề an sinh xã hội mà còn liên quan đến cả lĩnh vực năng suất lao động. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tại các khu công nghiệp muốn tạo ra giá trị sản xuất, kinh doanh cao phải đảm bảo việc tái tạo sức lao động của công nhân, trong đó vấn đề nhà ở (an cư) là trụ cột.

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo về kết luận của Thủ tướng tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… Đồng thời, Thủ tướng chỉ đã đạo các bộ, ngành giải quyết các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cụ thể về Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", Thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối với những chính sách liên quan đến nhà ở cho công nhân, người lao động, nhà ở cho công nhân thuê trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014.

Nhà ở công nhân…
Dự án nhà ở Thăng Long Green City dành cho công nhân lao động tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Ảnh: HNM

Về vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, được biết, Bộ Xây dựng cũng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" (Đề án). Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất giảm số căn nhà ở xã hội xây đến năm 2030 từ 1,4 triệu xuống hơn 1 triệu, vốn thực hiện cũng bớt 280.500 tỷ đồng. Lý do, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ với Đề án một số bộ, ngành đề nghị điều chỉnh.

Ban đầu, Đề án do Bộ Xây dựng đưa ra đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các địa phương hoàn thành là hơn 1,4 triệu căn hộ; trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành khoảng hơn 571.000 căn hộ; giai đoạn 2025 - 2030, hoàn thành khoảng 845.500 căn hộ. Đối với mục tiêu trên, có 7/18 bộ, ngành đề nghị cân nhắc mục tiêu, số lượng căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2023, để đảm bảo tính khả thi của Đề án.

Như chúng ta đều biết, công nhân là một trong những chủ thể sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội; với doanh nghiệp là người lao động là trung tâm tạo ra giá trị sản xuất kinh doanh, thế nên cùng với lương, thu nhập thì vấn đề nhà ở đặc biệt cần quan tâm. Giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân không chỉ thể hiện tính giai cấp, tính xã hội mà còn góp phần tái tạo sức lao động để đưa năng suất lao động lên mức cao hơn. “Có an cư, mới lạc nghiệp”, do đó việc Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành; việc Bộ Xây dựng- cơ quan tham mưu chính về chính sách nhà ở nhanh chóng triển khai việc xây dựng Đề án là thể hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công nhân. Mong rằng, chính sách nhân văn này sẽ sớm được triển khai.

L.Hà

Nguồn:laodongthudo.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...