A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an toàn phòng cháy tại các cơ sở văn hóa tâm linh

Đến các địa điểm đình, đền, chùa trong các dịp lễ, Tết là thói quen trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã cũng như thắp hương với số lượng lớn tại các địa điểm này lại tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Do đó, mọi người cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định tại các khu vực thờ tự để đảm bảo an toàn phòng, cháy chữa cháy.

Không để xảy ra cháy, nổ

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hàng trăm khu di tích, đền chùa, mỗi dịp đầu năm các cơ sở thờ tự thường tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, thu hút hàng ngàn lượt người dân, du khách tham gia hành lễ, chiêm bái. Đây là thói quen trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của người Việt từ nhiều đời nay. Song cùng với đó, việc đốt vàng mã cũng như thắp hương với số lượng lớn tại các địa điểm này chính là những nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao đe doạ trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.

Để chủ động phòng ngừa những tình huống cháy, nổ có thể xảy ra, nhất là vào thời điểm trước, trong và sau các dịp lễ, Tết, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định an toàn về cháy, nổ tại khu vực tâm linh, như: Đền, chùa và các cửa hàng kinh doanh vàng mã trên địa bàn.

Đảm bảo an toàn phòng cháy tại các cơ sở văn hóa tâm linh

Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội thường xuyên kiểm tra trang thiết bị chữa cháy trong cơ sở thờ tự

Tại Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã phối hợp với Công an huyện Mỹ Đức và Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các điểm trong khu vực tổ chức lễ hội chùa Hương. Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, gia đình tham gia kinh doanh dịch vụ trong khu vực diễn ra lễ hội, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ.

Theo đó, Công an huyện Mỹ Đức đã cử 70 cán bộ, chiến sĩ tham gia đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy tại lễ hội chùa Hương, xây dựng phương án bố trí lực lượng thường trực, ứng trực phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng các nội dung tuyên truyền về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy lễ hội chùa Hương năm 2024, thường xuyên phát trên hệ thống loa truyền thanh. Đồng thời, đơn vị tổ chức lớp tuyên truyền, tập huấn kiến thức về phòng cháy chữa cháy, ký cam kết đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy cho hơn 300 hộ kinh doanh trong khu vực lễ hội chùa Hương.

Công an thành phố cũng đã rà soát việc chấp hành các quy định pháp luật phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu cơ sở kinh doanh, buôn bán; kiểm tra hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động về phòng cháy chữa cháy, điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với các chùa, hệ thống vận hành cáp treo, khu vực kinh doanh của các tiểu thương, hộ kinh doanh, trụ sở làm việc Ban Tổ chức lễ hội...

Đồng thời, cơ quan bảo đảm thường trực chiến đấu tại các chốt bảo vệ, việc bố trí lực lượng và phương tiện thường trực. Đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở gồm 20 người đã được tập huấn lái xuồng, tập huấn các đội hình cứu nạn cứu hộ cơ bản, bố trí 2 máy bơm, lăng, vòi chữa cháy, áo phao, phao tròn tại đền Trình và chốt kiểm soát vé trong chùa Thiên trù…

Đảm bảo an toàn phòng cháy tại các cơ sở văn hóa tâm linh

Lực lượng chức năng khuyến cáo Ban Quản lý tại các đền, chùa sắp xếp hàng hóa, dọn dẹp vệ sinh gọn gàng

Thường xuyên kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy

Không riêng Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, để bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở nghiêm túc chấp hành và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy như quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chánh điện, nhà kho, bãi gửi xe…

Đồng thời, các cơ sở thờ tự cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện; tăng cường công tác thường trực trong thời điểm khách đến thực hiện các nghi lễ tâm linh và sau khi kết thúc công việc trong ngày; không để vật tư, hàng hóa, trưng bày; không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn.

Dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ. Phải có kho bảo quản để bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với nhang, đèn cầy, vàng mã; cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn. Khi thắp hương thờ cúng phải có người trông coi và việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn cách xa các vật dụng dễ cháy.

Đảm bảo an toàn phòng cháy tại các cơ sở văn hóa tâm linh

Nơi hoá vàng phải đảm bảo an toàn, tránh xa các vật dễ gây cháy, nổ

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở thờ tự, di tích lịch sử, đền, chùa, tôn giáo trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cũng khuyến cáo Ban Quản lý tại các đền, chùa sắp xếp hàng hóa, dọn dẹp vệ sinh gọn gàng, chú ý tại các nơi đun nấu, nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt, nhắc nhở bà con Nhân dân hạn chế đốt vàng mã, thắp hương trong khuôn viên đền, chùa, nhất là trong khu vực thờ cúng, nội cung. Bên cạnh đó khuyến cáo cơ sở có phương án, kế hoạch khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại về người và tài sản...

Phòng cũng yêu cầu lực lượng công an các địa phương kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu vực này với hai nội dung chủ yếu là kiểm tra hồ sơ an toàn phòng cháy chữa cháy và kiểm tra thực tế công tác phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh đó, theo phân cấp quản lý, lực lượng công an các cấp sẽ tiến hành kiểm tra thực tế đường lối thoát nạn; việc sắp xếp hàng hóa, vật tư an toàn; kiểm tra nhận thức, kỹ năng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của cán bộ, công nhân viên và Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở tại các cơ sở thờ tự, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, công nhân viên trong cơ sở sử dụng thành thạo trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cách xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra, nâng cao kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Thông qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ đánh giá toàn diện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở thờ tự, tôn giáo, các địa điểm tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố. Qua đó, kịp thời phát hiện, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở khắc phục dứt điểm những tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...