Bùng nổ nhà ở xã hội giá 'triệu đô' trên thế giới
Số lượng căn hộ nhà ở xã hội có giá triệu đô la ngày càng bùng nổ ở nhiều quốc gia như Singapore hay Mỹ, khiến việc sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp ngày càng xa vời, trước thực trạng này chính phủ các nước đã có loạt biện pháp chấn chỉnh.
Bùng nổ nhà ở xã hội giá triệu USD
Reuters đưa tin, hàng trăm căn hộ nhà ở xã hội tại Singapore – một trong những đất nước đắt đỏ nhất thế giới, đang được bán với giá hơn 1 triệu đô la Singapore (SGD), tương đương 716.000 USD - 16,8 tỷ đồng - một con số kỷ lục, do nguồn cung căn hộ mới khan hiếm, vì hoạt động xây dựng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19.
Trong đó, có ít nhất hai căn hộ đã vượt mốc 1 triệu USD, và mức giá này đang hối thúc Chính phủ Singapore đưa ra các cuộc thảo luận, về biện pháp để hạ nhiệt thị trường bất động sản đang lên cơn “sốt”.
Hàng trăm căn hộ nhà ở xã hội tại Singapore đang được bán với giá hơn 1 triệu SGD.
Theo Reuters, hệ thống nhà ở xã hội của quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á do chính phủ xây dựng cho người dân, theo hợp đồng thuê 99 năm, việc này giúp cho hơn 80% người Singapore sở hữu nhà ở - một tỷ lệ cao nhất thế giới.
Trong đó, nhiều căn hộ thuộc Cục Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB) có vị trí thuận tiện, gần các ga xe lửa, trung tâm thương mại và phục vụ cho các nhóm kinh tế xã hội khác nhau. Đồng thời, quyền sở hữu nhà có thể chuyển nhượng cho cả các công dân và thường trú nhân sau 5 năm.
Do đó, thị trường nhà ở xã hội đã xuất hiện việc mua đi bán lại rất nhiều. Điển hình, một số căn hộ có giá ban đầu là 500.000 SGD (tương đương 357.000 USD – 8,38 tỷ đồng), hiện có giá gấp đôi, tùy thuộc vào diện tích và vị trí.
Cá biệt, một căn hộ nhà ở xã hội rộng 122m2, gần ga xe lửa và trường học, còn thời hạn thuê 92 năm vừa được bán trong năm nay với giá 1,418 triệu SGD (1,015 triệu USD – 23,8 tỷ đồng).
Vì thế, trong nhiều thập kỷ, người Singapore đã sử dụng các căn hộ HDB của mình để kiếm thêm tiền từ việc cho thuê hoặc bán lại kiếm lời. Bởi lẽ, hầu hết người mua nhà ở xã hội lần đầu đều có thể nộp đơn xin trợ cấp và xin vay từ Chính phủ. Việc này giúp họ ít bị ảnh hưởng bởi lãi suất ngân hàng.
Rajiv Malhotra, 45 tuổi, người đã mua căn hộ nhà ở xã hội rộng 94m2 với giá 1,08 triệu đô la SGD cho biết: “Khoản thế chấp hàng tháng cho căn hộ HDB của tôi là khoảng 3.400 SGD (gần 57 triệu đồng), nó rẻ hơn nhiều so với giá thuê một căn hộ thương mại tương tự, vì nó có giá 5.000 SGD (gần 84 triệu đồng) vào năm ngoái”.
Không chỉ Singapore, kể từ tháng 6 năm nay, hơn một nửa dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở California (Mỹ) đang tiêu tốn hơn 1 triệu USD cho việc xây dựng một căn hộ - con số kỷ lục khiến việc sở hữu hay thuê nhà của người thu nhập thấp tại bang này ngày càng khó khăn hơn.
Một khu nhà ở phức hợp dành cho người thu nhập thấp ở Mỹ. (Paul Kuroda / For The Times)
Chính phủ vào cuộc chấn chỉnh
Theo Reuters và LA Times, nguyên nhân chính khiến nhà ở giá rẻ tại Singapore hay California có giá triệu USD, là do thiếu hụt nguồn cung, trong khi giá lao động và vật liệu xây dựng tăng cao bởi lạm phát, vì chuỗi cung ứng bị đình trệ do đại dịch COVID -19.
Do đó, các nhà phân tích kỳ vọng rằng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ dần được cải thiện vào đầu năm 2023.
Đặc biệt, các báo cáo cho thấy, trong khi tổng tỉ lệ giao dịch của các căn hộ trị giá hàng triệu USD tại Singapore chưa đến 2%, thì đã có tới 249 căn hộ nhà ở xã hội được bán công khai với giá 1 triệu SGD trở lên vào năm 2021, và tính đến tháng 8/2022 đã có khoảng 230 căn.
Do đó, nhiều người không đủ tài chính mua nhà thương mại đã tìm cách mua nhà theo chương trình đặt hàng căn hộ - HDB Built-To-Order (BTO) của chính phủ Singapore. Các căn này thường được bán với giá khoảng 300.000 – 700.000 SGD (5 – 11,7 tỷ đồng). Tuy nhiên, hầu hết các dự án BTO phổ biến đều đã quá tải số lượt đăng ký và phải mất khoảng 5 năm mới hoàn thành việc xây dựng, khiến việc mua đi bán lại các căn hộ này ngày càng gia tăng.
Trước tình trạng này, Bộ Phát triển Quốc gia (MND) của Singapore cho biết, chính phủ đã lên kế hoạch tăng cường cung cấp các căn hộ BTO mới để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chính phủ các nước liên tục có động thái nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản thông qua việc cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội, tăng thuế, siết hạn mức cho vay.
Kể từ tháng 12/2021, Singapore đã công bố các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản, bao gồm tăng thuế trước bạ và thắt chặt hạn mức cho vay. Do đó, tỉ lệ giao dịch của thị trường nhà ở đã giảm nhẹ.
Christine Sun, Phó Chủ tịch cấp cao của Bộ phận nghiên cứu & Phân tích tại Tập đoàn OrangeTee & Tie, cho biết: “Có khả năng chính phủ có thể xem xét một vòng biện pháp hạ nhiệt khác do giá cả tăng ở cả thị trường nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Nhưng nó sẽ không dễ dàng, bởi vì giao dịch vẫn diễn ra nếu thuận mua, vừa bán”.
Còn tại California, để hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp, chính quyền liên bang, tiểu bang đã cung cấp tài chính trực tiếp và các khoản tín dụng thuế, nhằm giảm bớt số tiền mà các ngân hàng và các chủ đầu tư lớn nợ Sở Thuế vụ và kho bạc tiểu bang, nếu họ giúp thanh toán cho các dự án nhà ở giá rẻ. Bởi lẽ, nguồn vốn của các chủ đầu tư ảnh hưởng tới số tiền thuê, mua nhà ở của người thu nhập thấp…