A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường xăng dầu và câu chuyện ứng xử với một mặt hàng chiến lược

Trước những “trục trặc” diễn ra trên thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua, đặc biệt là từ sau Tết Nhâm Dần, tại cuộc họp với các địa phương và doanh nghiệp cả nước về cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định một cách dứt khoát: "Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, vì thế phải bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống”.

Lời khẳng định mạnh mẽ đó của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước cũng đồng nghĩa với việc khẳng định trách nhiệm bình ổn thị trường của ngành Công Thương ở mọi thời điểm từ trước đến nay.

Điều cần nói là ngay tại cuộc họp nói trên, nguồn cung xăng dầu từ hiện có trong kho tới góc độ sắp cập cảng đã được “soi” rất kỹ từ góc độ quản lý nhà nước đến tiếp cận thị trường của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân bán lẻ.

Câu trả lời được đưa ra ngay tại cuộc họp cũng hết sức rõ ràng: nguồn cung cho thị trường trong nước hoàn toàn không thiếu, hoàn toàn được bảo đảm, ít nhất cũng là tại thời điểm tháng 2/2022.

Câu hỏi lớn được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong vai trò tư lệnh ngành Công Thương đặt đi đặt lai nhiều lần trong đối thoại với lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp dự cuộc họp nói trên là nguồn cung không hề thiếu, vậy sao thị trường vẫn xảy ra hiện tượng bán hàng nhỏ giọt, thậm chí là treo biển tạm nghỉ với cả “núi” lý do, trong đó có cả những lý “hồn nhiên” hết nấc là chủ cơ sở bận đi hiếu hỉ (!?) trong ngày.

Trong khi chờ đợi những giải pháp căn cơ được Bộ Công Thương đề xuất cho tình hình đi được vào cuộc sống, điều gì cần làm ngay sẽ phải được làm ngay. Ngay sau cuộc họp nói trên kết thúc lúc chiều muộn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định lập đoàn thanh tra tới các tỉnh để kiểm tra tình hình bán hàng tại chỗ và kịp thời xử lý.

Thị trường xăng dầu và câu chuyện ứng xử với một mặt hàng chiến lược
Bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường luôn được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm

Ngay sáng hôm sau, một đoàn do Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long và lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường dẫn đầu đã tới ngay một số địa phương phía Nam đang có những hiện tượng mà theo dư luận, là “nóng” về xăng dầu.

Và cũng không phải chờ lâu. Ngay trong ngày, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số cơ sở còn xăng nhưng không bán, có đến cả nghìn lít hoặc đang chờ “châm” xăng từ đầu mối vẫn treo biển báo “hết xăng”.

Rồi đây chắc chắn sẽ còn nhiều điều sáng tỏ từ kết quả thanh tra, kiểm tra.

Đó là chiều nói đi.

Ở chiều nói lại, điều đáng chú ý là ngay cả trong những tháng giữa năm 2021, khi chủng Delta của dịch Covid-19 hoành hành dữ dội chưa từng thấy trên quy mô cả nước, việc cung ứng xăng dầu vẫn hoàn toàn được bảo đảm, thị trường xăng dầu nhìn chung diễn biến lành mạnh.

Nhìn sâu hơn, xa hơn trước đây khi Việt Nam còn phải nhập 100% xăng dầu thì chuyện thiếu nguồn, khan hàng cũng chưa bao giờ xảy ra. Huống chi trong nước giờ đã tự chủ được đến 70% nguồn cung thì không có lý gì thiếu hàng, càng không có lý gì để “đẩy” chuyện thiếu hàng ra dư luận.

Thị trường xăng dầu trong nước bên cạnh sự có mặt của các bộ trong vai trò quản lý, điều hành còn có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và kinh doanh ở các cấp độ, các doanh nghiệp đại lý, thương nhân phân phối, người tiêu dùng (gồm cả doanh nghiệp và người dân) và có cả mạng lưới truyền thông chính thống, các trang mạng xã hội.

Rõ ràng là những “trục trặc”, những hiện tượng, hình ảnh, những dư luận nóng như đã được biết, được thấy, được nghe phản ảnh một thực tế là trong khi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định trong vai trò quản lý nhà nước của Bộ, bảo đảm nguồn cung với một mặt hàng chiến lược như xăng dầu cùng sự bình ổn của thị trường luôn là trách nhiệm cao nhất của Bộ Công Thương, thì đó đây trên thị trường, cách ứng xử với loại mặt hàng chiến lược này là “có vấn đề”.

Ở góc độ quản lý, điều được lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm nhất bên cạnh nguồn cung còn là bảo đảm tính kỷ luật của thị trường xăng dầu bởi đây không chỉ thuần là câu chuyện mua – bán, lỗ - lãi mà còn là chuyện an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và cao hơn là an ninh quốc gia.

Ở góc độ doanh nghiệp, trong khi ở những thời điểm đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu mối đã tăng đến nhiều chục phần trăm lượng bán ra trong ngày thì cũng đã có chuyện có doanh nghiệp “găm” hàng chờ bán giá cao. Đành rằng câu chuyện lỗ lãi là chuyện sống còn với doanh nghiệp thế nhưng sao lúc giá xăng dầu giảm sâu lại không thấy hiện tượng doanh nghiệp “hỏng trụ bơm”, chủ doanh nghiệp đi “hiếu hỉ”? Phải chăng lãi thì bỏ túi, lỗ thì đẩy cho thị trường, cho người dùng cho dù họ biết rõ ràng, việc tính toán lợi nhuận trong kinh doanh xăng dầu phải được tính toán cả năm.

Có một điều cần được nói thêm là một trong những khuyết tật của thị trường nằm ở khâu thông tin. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước đã ngày càng cập nhật, minh bạch thông tin thị trường, thông tin điều hành thì có vẻ như khâu này chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

Cùng đó hệ thống truyền thông đây đó có lúc thay vì rất, rần cần đưa ra, cung cấp những phân tích cơ sở, kỹ càng lại “đưa đẩy” câu chuyện này chưa đúng, chưa sát với bản chất thị trường dẫn đến tiềm ẩn những “khủng hoảng” truyền thông không đáng có, kéo theo cả những khủng hoảng cục bộ trên thị trường.

Một cái “kéo” nữa là dễ khiến cho tâm lý người dùng bất an, dễ hành xử theo tâm lý “đám đông” mà quên mất rằng, các cơ quan quản lý có đủ công cụ, đủ sức mạnh để điều tiết, bình ổn thị trường nhất là nay khi thị trường trong nước (mà có cả thị trường xăng dầu) và thị trường thế giới đã là “bình thông nhau”.

Chính bởi vậy, dư luận bày tỏ sự đồng tình với các giải pháp mới nhất mang tính căn cơ mà Bộ Công Thương đề xuất để bảo đảm đến mức cao nhất nguồn cung xăng dầu cũng như những giải pháp trước mắt, trong đó có cả việc phạt “kịch khung”, tạm đình chỉ đến rút giấy phép kinh doanh với những vi phạm bị phát hiện ở các mức độ.

Tất nhiên với một mặt hàng tuy rất chiến lược nhưng lại mang đậm tính “mỏng manh” như xăng dầu thì việc hoàn thiện cơ chế điều hành luôn là sự quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý bởi thị trường xăng dầu nay đã biến động không còn hàng ngày nữa mà là từng buổi, từng giờ.

Chính bởi điều này mà mặc dù Nghị định 95 về quản lý kinh doanh xăng dầu đã rút ngắn chu kỳ điều hành giá xăng dầu xuống còn 10 ngày song Bộ Công Thương vẫn chủ động kiến nghị Chính phủ trong trường hợp cần thiết, linh hoạt rút ngắn chu kỳ này có thể chỉ là trong 3 - 5 ngày. Cùng đó các câu chuyện thuế, phí liên quan đến thị trường và kinh doanh xăng dầu vẫn đứng yên lâu nay giờ rất cần được rà soát điều chỉnh cho phù hợp.

Việc bảo đảm, bình ổn nguồn cung và bảo đảm tính kỷ luật và trách nhiệm cho thị trường trong nước trong bối cảnh bình thường đã luôn là vấn đề rất cần quan tâm để tạo sự đồng bộ trong cách ứng xử với loại mặt hàng chiến lược này, như đã có những dòng lạm bàn ở trên. Nay khi cả nước đang bước vào thực hiện những gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2022 thì không còn nghi ngờ gì nữa, sự đồng bộ này càng cần lắm thay!

Quang Lộc

Tác giả: Mai Phương Thảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết