Giá cà phê tại Nhật Bản tăng cao
Cà phê chỉ là một trong số nhiều mặt hàng khác tại Nhật Bản đã tăng giá trong suốt thời gian qua do lạm phát và đồng Yen suy yếu.
Năm ngoái, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 420.000 tấn cà phê. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng cà phê của người dân Nhật Bản có thể thay đổi do giá các sản phẩm cà phê ở Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục tăng, khi đồng Yen Nhật liên tục mất giá.
Hiện 1 USD đổi được 148 Yen Nhật. Đây là mức giá thấp nhất trong 32 năm của Yen Nhật. Ngành cà phê Nhật Bản, vốn đã chịu tác động từ đại dịch COVID-19, nay tiếp tục phải đối mặt với những thách thức mới.
Ở Nhật Bản, cà phê đã trở thành một trong những thức uống hàng ngày. Mỗi người Nhật hiện nay trung bình uống 11,5 tách cà phê mỗi tuần. Hạt cà phê của Nhật Bản hầu như được nhập khẩu.
Do sản lượng sụt giảm vì điều kiện khí hậu không thuận lợi ở nơi sản xuất và việc đồng Yen mất giá, đã khiến giá thu mua hạt cà phê tăng từ 20 đến 30% so với năm ngoái, gây áp lực kinh doanh ngày càng lớn cho cửa hàng.
"Chúng tôi hiện đang dựa vào các loại đồ uống khác để duy trì hoạt động, nhưng chúng tôi sẽ phải tăng giá bán cà phê, nếu giá thu mua hạt cà phê tiếp tục tăng", chị Maiko Shinozaki - quản lý cửa hàng cà phê cho hay.
Không chỉ các cửa hàng cà phê tư nhân bị ảnh hưởng bởi sự mất giá của đồng Yen, mà các cửa hàng tiện lợi - nơi người dân Nhật Bản thường mua cà phê, cũng tăng giá trong thời gian gần đây.
Ba thương hiệu cửa hàng tiện lợi lớn là 7-Eleven, FamilyMart và Lawson đều đã tăng giá cà phê mới xay lên tới 20%. Ngoài ra, giá các mặt hàng cà phê bày bán trong siêu thị cũng tăng cao.
Mới đây, Lễ hội cà phê Tokyo, một trong những triển lãm cà phê lớn nhất châu Á, cũng đã khai mạc lần đầu tiên sau 3 năm, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp đến từ 40 quốc gia. Đồng Yen mất giá nhanh chóng trở thành chủ đề nóng đối với các nhà triển lãm tại đây.
Cà phê chỉ là một trong số nhiều mặt hàng khác đã tăng giá trong suốt thời gian qua do lạm phát và đồng Yen suy yếu.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây cũng khẳng định tình hình lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm, tuy nhiên dự báo chỉ số CPI vẫn nằm ở dưới ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ vào tài khóa tới.
Do vậy BOJ vẫn cam kết duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang không ổn định của nước này, ngược hoàn toàn với xu hướng tăng mạnh lãi suất của các nước trên thế giới.